2 chiếc xe ô tô cố tình đâm vào nhau giữa phố: Các tài xế có thể đối diện với nhiều tội danh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường đâm va giữa 2 xe ô tô được cơ quan chức năng dựng lại. Ảnh: Công an cung cấp |
Sự việc hy hữu
Ngày 21/11, Công an TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ra lệnh bắt, tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp với chị P.H.B.T (SN 1992, trú tại huyện Long Thành, Đồng Nai) và anh N.Đ.K (SN 1982, quê Thanh Hóa, trú tại TP Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra hành vi Cố ý hủy hoại tài sản và Gây rối trật tự công cộng.
Cả 2 người là tài xế liên quan đến clip tông xe trực diện được chia sẻ trên mạng xã hội ngày 20/11. Cũng trong sáng 21/11, CATP Bà Rịa phối hợp với VKSND TP Bà Rịa khám nghiệm hiện trường, thu tập tài liệu chứng cứ.
Theo Công an TP Bà Rịa, khoảng 18h30 tối 20/11, tại ngã tư đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, phường Phước Hiệp (TP Bà Rịa) xảy ra vụ cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng. Theo điều tra ban đầu, do mâu thuẫn tình cảm từ trước nên khi đi đến ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, chị T lái ô tô tông vào đuôi ô tô hiệu Lexus do anh K điều khiển. Vì bị tông nên anh K quay đầu xe tông trực tiếp vào đầu xe chị T. Sau đó, cả 2 lái xe rời khỏi hiện trường.
Theo video ghi lại một phần diễn biến sự việc, tài xế Lexus lùi xe lấy đà rồi ít nhất 2 lần tông trực diện khiến ô tô 5 chỗ bị đẩy lùi vài mét, đầu xe hư hỏng, két nước bị vỡ. Sau va chạm, một người đàn ông đến can ngăn thì tài xế xe Lexus mới đánh lái rẽ sang phải rồi rời đi.
Dưới góc độ pháp lý
Về hành vi này, theo luật sư Nguyễn Thị Yến - Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi điều khiển xe ôtô tông nhau trên đường phố khiến 2 tài xế có khả năng đối diện một số tội danh. Cụ thể, hành vi của cả 2 người có dấu hiệu tội “Gây rối trật tự công cộng”, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy mức độ.
Còn hành vi cố ý điều khiển xe ô tô lao vào phương tiện khác vi phạm tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” được quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành gồm 2 hành vi phạm tội độc lập.
Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được luật hình sự quy định.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng tại các trường hợp luật quy định, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. “Về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cần căn cứ vào giám định thiệt hại của cả 2 phương tiện để áp dụng các điểm, khoản theo quy định của Điều 178” - luật sư Yến nói.
Đồng thời, theo hình ảnh được truyền thông đăng tải, khi xảy ra vụ việc thì cả hai phương tiện đều có dấu hiệu vượt đèn đỏ. Theo điểm a khoản 5, điểm b, c Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại