Yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia, ma túy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn người đi đường. |
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022 toàn quốc xảy ra 11,4 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 6,4 nghìn người, bị thương 7,8 nghìn người. So với năm 2021, số vụ tai nạn giao thông giảm 38 vụ, tăng 598 người chết, giảm 214 người bị thương.
Về việc xử lý vi phạm, trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xử lý trên 2,8 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 4.124 tỷ đồng, tước 388 nghìn giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 614 nghìn phương tiện các loại.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 14/12/2022, các đoàn thanh tra đã thực hiện gần 85 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; quyết định xử phạt 53,8 nghìn vụ vi phạm, với số tiền xử phạt trên 291,3 tỷ đồng; tạm giữ 365 ô tô; đình chỉ hoạt động 71 bến và 135 phương tiện thủy nội địa; giám sát gần 1,4 nghìn kỳ sát hạch lái xe ô tô và 1,2 nghìn kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Ngoài ra, thông qua thiết bị giám sát hành trình, cả nước đã có trên 18,6 triệu lần vi phạm quá tốc độ, tỷ lệ vi phạm tốc độ bình quân tính trên 1.000 km là 0,77 lần/1.000 km. Sở Giao thông vận tải các tỉnh cũng đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với 12.790 phương tiện; thực hiện chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 27.241 phương tiện.
Tại hội nghị, các bộ, ban, ngành và các địa phương đã báo cáo công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiến nghị các giải pháp về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm, nhất là đối với những trường hợp sử dụng phương tiện sau khi đã uống rượu, bia, ma túy.
Nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông, đồng thời phân luồng giao thông hợp lý trên các trục đường lớn, nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc. Nâng cao công tác truyền thông, tuyên truyền cho tất cả các đối tượng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, cần phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trước hết là chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông. Giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, như lắp đặt camera phạt nguội, camera giám sát tại các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ...
Đề cập đến nguyên nhân chủ quan, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan tới bảo đảm TTATGT còn hạn chế, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quy định ATGT đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, để kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm trong Năm An toàn giao thông 2023 với chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn". Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là các đối tượng đã sử dụng rượu, bia, ma túy vẫn tham gia giao thông.
Tăng cường phổ biến, quán triệt nhiệm vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tuyệt đối tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn; gắn trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị thực thi công vụ.
Chú trọng tập trung xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, lối đi tự mở trái phép qua đường sắt, điều tiết giao thông các vị trí xung yếu trên đường thủy… nhằm đảm bảo điều kiện an toàn cho mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông từ trung ương đến địa phương.
Ngoài ra cũng cần nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, đảm bảo khả năng tiếp cận hiện trường và cứu chữa đa số thương tích cho nạn nhân tai nạn giao thông. Khẩn trương xây dựng ứng dụng báo thông tin tai nạn giao thông trên nền kỹ thuật số nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để xử lý và khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại