Thứ sáu 26/04/2024 07:35

Xử phạt vị phạm ban hành quy chế lao động mới mà không lấy ý kiến người lao động

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Công ty tôi vừa mới ban hành quy chế lao động mới, sửa đổi bổ sung từ quy chế cũ. Trong quy chế lao động mới quy định một số quyền và nghĩa vụ của người lao động mà những công nhân trong công ty đều không hài lòng. Quá trình công ty sửa đổi quy chế lao động cũ để ban hành quy chế lao động mới, công ty không hề lấy ý kiến của người lao động. Xin hỏi việc ban hành quy chế lao động mới mà không lấy ý kiến người lao động của công ty tôi như vậy có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?  

(Lê Thị Hằng, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội)

xu phat vi pham ban hanh quy che lao dong moi ma khong lay y kien nguoi lao dong
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 63 Bộ luật lao động quy định mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“1. Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc.

2. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

3. Người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của Chính phủ.”

Theo quy định trên, người sử dụng lao động, người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Trách nhiệm thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của người lao động sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định 149/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2018 quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; cụ thể như sau:

“Điều 5. Nội dung người lao động được tham gia ý kiến

1. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

2. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; đề xuất nội dung thương lượng tập thể.

3. Đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

4. Các nội dung khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 nêu trên, người lao động thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, được tham gia ý kiến xây dựng sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nếu công ty bạn thực hiện sửa đổi bổ sung và ban hành quy chế lao động mới quy định một số quyền và nghĩa vụ của người lao động mà không lấy ý kiến của người lao động tức là vi phạm nghĩa vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

“ Điều 14. Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định pháp luật;

b) Không bố trí địa điểm và bảo đảm các điều kiện vật chất khác cho việc đối thoại tại nơi làm việc.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đối thoại khi đại diện tập thể lao động yêu cầu.”

Công ty có hành vi không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 14 Nghị định 28/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với công ty có hành vi không thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo quy định là 1.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Việt Anh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động