Thứ năm 18/04/2024 10:29

Xử phạt hành vi tự ý chuyển đất nông nghiệp để trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi được giao 0,2 hecta đất nông nghiệp để trồng lúa. Gần đây, các hộ gia đình trong thôn có xu hướng không trồng lúa mà trồng cam với hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi cũng đang có dự định sẽ làm theo để cải thiện đời sống gia đình. Khi hỏi kinh nghiệm của bà con trong thôn, họ nói trước hết phải xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước. Tôi nghĩ đất đã được giao cho mình, mình vẫn sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì sao phải xin phép. Xin hỏi nếu tôi tự ý chuyển đất trồng lúa sang trồng cam mà không xin phép thì có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?

(Lưu Văn Bắc, trú tại Ba Vì, Hà Nội)

xu phat hanh vi tu y chuyen dat nong nghiep de trong lua sang dat trong cay lau nam
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 57 Luật Đất đai quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất như sau:

“1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

a) Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối;

b) Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm;

c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp;

d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;

đ) Chuyển đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất;

e) Chuyển đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở;

g) Chuyển đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ sang đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.

2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng”

Nếu bạn tự ý chuyển 0,2 hecta đất nông nghiệp để trồng lúa sang trồng cam tức là bạn đã thực hiện chuyển chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai, việc chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu bạn tự ý chuyển mà không được phép của cơ quan nhà nước là vi phạm quy định của luật đất đai và sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể:

“Điều 9. Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm a và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

1. Chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng (trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 14 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.”

Hành vi tự ý chuyển 0,2 hecta đất nông nghiệp để trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm của bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Áp dụng Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức phạt tại Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt” xác định mức tiền phạt đối với cá nhân có hành vi tự ý chuyển 0,2 hecta đất nông nghiệp để trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm là 3.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Đồng thời, cá nhân có hành vi tự ý chuyển 0,2 hecta đất nông nghiệp để trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm còn bị áp dụng biện pháp biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” và “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm” theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Thu Thảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động