Thứ năm 28/03/2024 16:29

Xử phạt hành vi sử dụng lao động dưới 15 tuổi làm việc vào ban đêm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Hộ kinh doanh của tôi có nghề làm bún gạo, có sử dụng một lao động chưa thành niên, cháu 14 tuổi, ở gần nhà tôi, nhanh nhẹn, chăm chỉ nhưng có hoàn cảnh khó khăn nên tôi tạo điều kiện để cháu làm việc. Trước đây cháu làm việc cho tôi từ 6 giờ sáng đến 10 giờ. Tuy nhiên, gần đây do nhu cầu công việc, tôi muốn cháu đến làm từ 5 giờ sáng phụ tôi việc giao hàng. Chồng tôi nói cháu là lao động chưa thành niên dưới 15 tuổi không được làm việc sớm như vậy. Xin hỏi nếu hộ kinh doanh của tôi để cháu làm việc từ 5 giờ sáng thì có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?  

(Ngô Thị Đông, trú tại Hoài Đức, Hà Nội)

xu phat hanh vi su dung lao dong duoi 15 tuoi lam viec vao ban dem
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại Điều 163 Bộ luật lao động quy định nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên như sau:

“Điều 163. Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên

1. Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

3. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác;

5. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá”

Theo quy định trên, khi sử dụng người lao động chưa thành niên dưới 15 tuổi, người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc vào ban đêm. Tại Điều 105 Bộ luật lao động quy địn giờ làm việc ban đêm “được tính từ 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”. Như vậy, nếu hộ kinh doanh của bạn sử dụng lao động dưới 15 tuổi làm việc từ 5 giờ sáng – làm việc vào ban đêm là vi phạm quy định về nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niênquy định tại khoản 2 Điều 163 Bộ luật lao động. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:

“Điều 28. Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc không được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi;

b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động;

c) Sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

d) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật Lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng người từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 1 Điều 164 của Bộ luật Lao động;

c) Sử dụng người dưới 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 164 của Bộ luật Lao động.”

Hộ kinh doanh sử dụng lao động dưới 15 tuổi làm việc vào ban đêm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với hộ kinh doanh sử dụng lao động dưới 15 tuổi làm việc vào ban đêm là 12.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Hoàng Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động