Xử phạt hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHỏi: Tôi sống trong một căn hộ chung cư. Căn hộ bên cạnh nhà tôi của một hộ gia đình làm kinh doanh thiết bị giáo dục. Anh và gia đình ở một căn nhà khác ở mặt phố để tiện bán hàng và giới thiệu sản phẩm. Căn chung cư cạnh nhà tôi anh không ở chỉ sử dụng làm kho để trữ hàng hóa, có nhân viên đóng hàng để giao cho các cơ sở bán lẻ khác. Mỗi ngày việc vận chuyển hàng giao nhận của hộ kinh doanh của gia đình anh rất ảnh hưởng đến việc sử dụng thang máy của các hộ khác trong tầng cũng như của các cư dân khác trong tòa nhà. Xin hỏi việc sử dụng nhà chung cư làm kho giao nhận hàng hóa của anh đó có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?
(Lê Phương Anh, trú tại Ba Đình, Hà Nội)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Tại khoản 11 Điều 6 Luật nhà ở quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“11. Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích được kinh doanh trong nhà chung cư theo dự án được phê duyệt vào mục đích kinh doanh vật liệu gây cháy, nổ, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình, cá nhân trong nhà chung cư theo quy định của Chính phủ.”
Theo quy định trên, việc sử dụng căn hộ chung cư và mục đích làm kho giao nhận hàng hóa mà không sử dụng vào mục đích để ở là vi phạm điều cấm của Luật nhà ở. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, cụ thể như sau:
“Điều 66. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Gây thấm, dột căn hộ, nhà chung cư;
b) Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, nhà chung cư không đúng quy định;
c) Kinh doanh vật liệu gây cháy nổ, dịch vụ sửa chữa xe có động cơ hoặc dịch vụ giết mổ gia súc;
d) Kinh doanh nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư hoặc tại phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng, chống cháy, nổ hoặc nơi thoát hiểm theo quy định;
đ) Hoạt động kinh doanh (trừ trường hợp quy định tại điểm c, điểm d khoản 1, điểm b khoản 3 Điều này) tại phần diện tích không dùng để kinh doanh của nhà chung cư theo quy định;
e) Không thành lập ban quản trị nhà chung cư theo quy định.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng của nhà chung cư;
b) Sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở;
c) Sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng.
…
10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm a, điểm c khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 8 Điều này;
b) Buộc sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài căn hộ, chung cư theo đúng quy định đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thực hiện các biện pháp để đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng chống cháy, nổ và nơi thoát hiểm đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều này (đối với phần diện tích được dùng để kinh doanh);
d) Buộc thành lập ban quản trị nhà chung cư đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;
đ) Buộc hoàn trả phần kinh phí sử dụng không đúng quy định và bồi thường thiệt hại (nếu có) đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4, điểm d khoản 8 Điều này;
e) Buộc hủy bỏ quy định về giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư để thông qua giá dịch vụ quản lý vận hành; buộc hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản chênh lệch so với mức giá mới được hội nghị nhà chung cư thông qua đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 4 Điều này;
g) Buộc thực hiện việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư theo đúng quy định đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 4 Điều này;
h) Buộc thực hiện đúng quy định đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 5 Điều này;
i) Buộc bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì theo quy định cho ban quản trị nhà chung cư đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 7 Điều này.
k) Buộc hoàn trả lại chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư khoản tiền chênh lệch (nếu có) do tính sai diện tích đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 8 Điều này;
l) Buộc bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng theo đúng quy định đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 8 Điều này.”
Như vậy hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Áp dụng Điều 4 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản 2 Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”. Xác định mức tiền phạt đối với hộ gia đình có hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở là 17.500.000 đồng.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại