Xử phạt hành vi không lập Sổ theo dõi đối với người lao động chưa thành niên
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên(Ngô Hải Đăng, trú tại Hoài Đức, Hà Nội)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Tại Điều 162 Bộ luật lao động quy định nội dung sử dụng người lao động chưa thành niên như sau:
“1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.
2. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”
Theo quy định trên, hộ gia đình của bạn sử dụng lao động chưa thành niên và không có sổ theo dõi riêng đối với người lao động chưa thành niên là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật lao động: “Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”. Hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể:
“Điều 28. Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Bộ luật Lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của người đó hoặc không được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi;
b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại khoản 2 Điều 163 của Bộ luật Lao động;
c) Sử dụng người dưới 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;
d) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.
3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc, ảnh hưởng xấu đến nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật Lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Sử dụng người từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 1 Điều 164 của Bộ luật Lao động;
c) Sử dụng người dưới 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 164 của Bộ luật Lao động.”
Như vậy hành vi sử dụng lao động chưa thành niên và không có sổ theo dõi riêng đối với người lao động chưa thành niên sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
Áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 28 Nghị định 28/2020/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân; và áp dụng Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”, xác định mức tiền phạt áp dụng với hộ gia đình có hành vi sử dụng lao động chưa thành niên và không có sổ theo dõi riêng đối với người lao động chưa thành niên là 1.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại