Thứ sáu 03/05/2024 17:01

Xử phạt hành vi đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh trên đường phố

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Cây xanh được trồng trên đường phố là cây xanh đô thị, hành vi đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây là hành vi xâm hại cây xanh đô thị và bị nghiêm cấm theo quy định tại...

Hỏi: Anh D hàng xóm nhà tôi mới sửa nhà xong, có thừa một lượng cát xây dựng không dùng hết, anh đem đổ và gốc cây hoa sữa được trồng trên vỉa hè giữa nhà tôi và nhà anh. Nhìn cây xanh bị đống cát phủ lên như vậy rất mất mĩ quan, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Tôi đã nhắc anh D bỏ đống cát đi nhưng lâu rồi nhưng anh vẫn để đó. Chúng tôi là hàng xóm với nhau nên tôi ngại không căng thẳng với anh D. Tôi dự định sẽ phản ánh tình trạng này lên cơ quan chức năng. Để có căn cứ phản ánh tình hình, tôi xin hỏi hành vi của anh D có vi phạm pháp luật không? Nếu có thì sẽ bị xử lý vi phạm như thế nào?

(Đỗ Mai Lan, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội)

xu phat hanh vi do vat lieu xay dung vao goc cay xanh tren duong pho
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại mục V Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị, quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với cây xanh đô thị như sau:

“1. Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng; trồng các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Các hành vi xâm hại cây xanh đô thị như:

- Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây.

- Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.

3. Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc và phát triển cây xanh đô thị. Mà cây xanh đô thị bao gồm cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng như công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường”

Cũng theo quy định tại mục III về Giải thích từ ngữ:

“1. Cây xanh đô thị bao gồm:

Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường).”

Theo các quy định trên, cây xanh được trồng trên đường phố là cây xanh đô thị, hành vi đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây là hành vi xâm hại cây xanh đô thị và bị nghiêm cấm theo quy định tại Thông tư 20/2005/TT-BXD. Khi thực hiện hành vi vi phạm này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, cụ thể như sau:

“Điều 53. Vi phạm quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ.

2. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Xây bục bệ bao quanh gốc cây ở đường phố, công viên hoặc những nơi công cộng khác không đúng quy định;

b) Giăng dây, giăng đèn trang trí, treo biển quảng cáo hoặc các vật dụng khác vào cây xanh ở những nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định;

c) Chăn, thả gia súc, gia cầm trong công viên, vườn hoa.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đổ phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh hoặc tự ý xâm hại, cản trở sự phát triển của cây xanh trong khu vực đô thị;

b) Trồng cây xanh trên hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định;

c) Trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép;

d) Sử dụng các công trình trong công viên không đúng mục đích;

đ) Làm hư hỏng các công trình văn hóa, dịch vụ, công trình công cộng trong công viên, vườn hoa;

e) Lấn chiếm, xây dựng công trình trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị hoặc ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định;

g) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý không thực hiện đúng các quy định về duy trì, chăm sóc, phát triển cây xanh đô thị.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 2, điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm e khoản 3 Điều này.”

Như vậy, hành vi đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh trên đường phố sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Áp dụng Điều 4 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức; và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”. Xác định mức tiền phạt đối với hành vi đổ vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh trên đường phố là 6.250.000 đồng.

Ngoài ra, người có hanh vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 53 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Hoàng Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động