Thứ sáu 03/05/2024 18:38

Xử phạt hành chính hành vi không đăng ký tạm trú

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Tôi quê ở Hải Dương, lên Hà Nội học đại học và có thuê một căn nhà để ở được khoảng hơn 2 tháng. Hôm vừa rồi, công an khu vực có kiểm tra và nói tôi chưa đăng kí tạm trú, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Xin hỏi việc không đăng ký tạm trú của tôi sẽ bị xử phạt như thế nào?  

(Nguyễn Phương Quỳnh, trú tại Đống Đa, Hà Nội)

xu phat hanh chinh hanh vi khong dang ky tam tru
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại điều 30 luật cư trú quy định về việc đăng ký tạm trú như sau:

“1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

2. Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

....”

Theo quy định trên, trong vòng ba mươi ngày kể từ ngày đến địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó, bạn phải đăng ký với cơ quan công an phường xã nơi bạn sinh sống; trong trường hợp quá thời hạn 30 ngày bạn không đăng ký tạm trú tức là bạn đã vi phạm quy định về đăng ký tạm trú theo quy định tại Điều 30 Luật cư trú và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, như sau:

"Điều 8: Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

...”

Như vậy, cá nhân không thực hiện việc đăng ký tạm trú theo quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm quy định về đăng và quản lý cư trú.

Áp dụng Điều 4 Nghị định số 167/2013/NĐ- CP quy định mức tiền phạt quy định tại Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ- CP là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân và Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”; xác định mức phạt đối với cá nhân có hành vi không đăng ký tạm trú là 200.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt)

Hoàng Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động