Thứ bảy 23/11/2024 09:06

Xử lý vi phạm đê điều tại Hà Nội: Vẫn phát sinh nhiều trường hợp vi phạm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tháng 4-2018, chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 2242/VP-KT đề nghị Sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã có đê xử lý vi phạm pháp luật về đê điều. Chỉ hai tháng sau khi Công văn số 2242/VP-KT được ban hành, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm đê điều.

Một tháng xảy ra 22 vụ vi phạm đê điều

Công văn số 2242/VP-KT của UBND TP Hà Nội đề nghị UBND các cấp tổ chức xử lý dứt điểm các vụ vi phạm, đồng thời, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính về đê điều nhất là những vụ vi phạm mới phát sinh; thông báo rộng rãi kết quả chỉ đạo, xử lý đến người dân tạo sự đồng thuận…

Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão các tỉnh, TP và các Hạt quản lý đê tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các hoạt động liên quan đến đê điều, đảm bảo thực hiện đúng nội dung được cấp phép, an toàn chống lũ của đê.

Đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả, tiến độ thực hiện dự án cấp bách xung yếu đê điều, phòng chống thiên tai, kế hoạch duy tu bảo dưỡng đê điều, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều (phân loại rõ hành vi vi phạm, mức độ và tính chất vi phạm) và công tác xử lý vi phạm của địa phương về Tổng cục Phòng, chống thiên tai trước ngày 25 hàng tháng để tổng hợp...

Sau chỉ đạo trên của TP, tháng 6, Sở NN&PTNT đã có báo cáo về con số vi phạm đê điều trên toàn TP lên tới 62 vụ. Chỉ tính riêng trong tháng 4-2018, trên địa bàn TP đã xảy ra 22 vụ vi phạm Luật Đê điều. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng, cải tạo nhà cửa, công trình trong phạm vi bảo vệ đê điều và bãi sông, chiếm dụng mái đê để trồng các loại cây; dựng lều quán trên mặt đê, mái đê; tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê….

Mặc dù các cơ quan quản lý đê đã gửi nhiều văn bản đề nghị, đôn đốc xử lý theo thẩm quyền nhưng đến nay, các địa phương mới xử lý được 2 vụ, tồn đọng 60 vụ. Địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: huyện Ứng Hòa (21 vụ), huyện Sóc Sơn (16 vụ), huyện Thường Tín (12 vụ), huyện Phú Xuyên và huyện Ba Vì (11 vụ).

Một số địa phương còn để cho các tổ chức lấn chiếm không gian thoát lũ xây dựng các công trình kiên cố, các trạm trộn bê tông, các bãi tập kết vật liệu, thậm chí một số tổ chức còn đổ đất lấn chiếm lòng sông.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là các địa phương chưa coi trọng công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ công trình đê điều; một số địa phương còn né tránh trách nhiệm, xử lý hình thức, không dứt điểm…

xu ly vi pham de dieu tai ha noi van phat sinh nhieu truong hop vi pham

Đội TTGT thị xã Sơn Tây xử lý xe quá tải trọng đi vào đường đê. Ảnh: G.B

UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trước TP nếu để xảy ra vi phạm mới

Hà Nội có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Tích, sông Bùi… với tổng chiều dài hơn 620km. Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn TP có 4 trọng điểm phòng chống lụt bão gồm đê, kè Cổ Đô, đê hữu hồng Ba Vì, cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm; Đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu; đê tả Đuống, huyện Đông Anh; cống Cẩm Đình, đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ.

Ngoài ra, còn có 12 điểm xung yếu khu vực: kè Khê Thượng, huyện Ba Vì; khu vực đê Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ; khu vực kè Liên Trì, huyện Đan Phượng; cụm công trình cống qua đê Yên Sở; khu vực kè An Cảnh, huyện Thường Tín; cống trạm bơm Thụy Phú, huyện Phú Xuyên.

Trả lời báo chí, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, các quận huyện cũng đã ra quân, đã chỉ đạo xử lý, nhưng vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn. Các hình thức vi phạm chủ yếu tập trung vào 5 hình thức sau: xe quá tải, bãi tập kết vật liệu xây dựng, lò gạch trên bãi sông, hút cát và đổ phế thải bờ sông…

Có lẽ con số thống kê 62 vụ vi phạm đê điều của Sở NN&PTNT vẫn còn khiêm tốn. Nhìn lại năm 2017, trên địa bàn TP có trên 2000 vụ vi phạm về đê điều. Các quận, huyện có nhiều vụ vi phạm pháp luật về đê điều là Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Sơn Tây, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn…

Điều đáng chú ý là trong khi các vụ vi phạm cũ chưa được xử lý thì đã phát sinh nhiều vụ vi phạm mới. Riêng trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn TP phát sinh thêm 217 vụ. Tuy số vụ phát sinh nhiều như vậy, nhưng hàng năm, Hà Nội chỉ xử lý được khoảng 10% vụ vi phạm. Đương nhiên, nếu đem con số vụ vi phạm tồn đọng chưa xử lý hết cộng với số vụ vi phạm mới, chắc chắn sẽ là con số không nhỏ.

Trước thực trạng này, UBND TP tiếp tục ban hành Văn bản số 2388/UB-KT về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Theo đó, để đảm bảo an toàn đê điều, công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn; chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm xảy ra năm 2018, báo cáo kết quả thực hiện về Sở NN&PTNT.

Bên cạnh đó, TP yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, ngăn chặn ngay vụ việc vi phạm mới từ khi phát sinh; chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra những vụ việc vi phạm mới sẽ bị xử lý đúng quy định của pháp luật.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động