Thứ tư 15/01/2025 01:19

Xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sáng 14/1, Toà án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam về tội “Nhận hối lộ”.
Xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Các bị cáo tại toà. Ảnh: N.N

Cùng hầu tòa cùng bị cáo Thái có các bị cáo: Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Giấy CP; Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát, tội “Đưa hối lộ”. Bị cáo Ngọc có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Nhóm cựu cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam liên quan đến vụ án: bị cáo Nguyễn Thị Thanh Thủy, cựu Trưởng ban Kế hoạch Marketing; Đinh Quốc Khánh, cựu Phó Trưởng phòng In, Phát hành; Hoàng Lê Bách, Phó Tổng giám đốc; Lê Hoàng Hải, Phó Tổng giám đốc; Phạm Gia Thạch, thành viên HĐQT, tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hội đồng xét xử gồm 5 người, do Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh làm chủ tọa. Có 13 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.

Để chuẩn bị cho phiên tòa, HĐXX triệu tập gần 20 người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đại diện NXB Giáo dục Việt Nam được triệu tập đến phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Theo cáo trạng, Cty TNHH MTV NXB Giáo dục do Nhà nước sở hữu 100%. Ông Nguyễn Đức Thái là Chủ tịch HĐTV, đại diện pháp luật NXB Giáo dục Việt Nam.

Từ năm 2017 - 2021, Nguyễn Đức Thái đã có hành vi trao đổi, thỏa thuận thống nhất với bị can Tô Mỹ Ngọc để tạo điều kiện cho các Cty Phùng Vĩnh Hưng, Cty cổ phần giấy trúng 13 gói mua sắm giấy in. Từ năm 2017 - 2020, ông Thái thỏa thuận với bị can Nguyễn Trí Minh, Giám đốc Cty Minh Cường Phát để Cty này trúng 5 gói thầu, gói mua sắm cung cấp giấy in.

Để nhận hối lộ, năm 2017, bị cáo Nguyễn Đức Thái chỉ đạo Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Quốc Khánh, Hoàng Lê Bách, Lê Hoàng Hải, Phạm Gia Thạch thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu. Nhờ đó, các Cty nói trên được vào danh sách ngắn các nhà thầu được nhận yêu cầu báo giá và hồ sơ yêu cầu đối với các gói mua sắm năm 2018 - 2021.

Sau khi 2 nhóm DN đã được trúng thầu, ông Thái nhận tổng số tiền 20 tỷ đồng từ Tô Mỹ Ngọc, nhận 4,9 tỷ đồng từ Nguyễn Trí Minh. Nhóm lãnh đạo, cán bộ NXB Giáo dục Việt Nam gồm: Hoàng Lê Bách, Lê Hoàng Hải, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phạm Gia Thạch, Đinh Quốc Khánh đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Thái thống nhất áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh rút gọn để lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in trái quy định pháp luật. Sau đó, các bị cáo này tham gia triển khai, tổ chức đấu thầu không đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, vi phạm quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.

Ngoài hành vi phạm tội nêu trên, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Quốc Khánh còn tiết lộ thông tin về hồ sơ yêu cầu, thông thầu và hợp thức hồ sơ dự thầu trái quy định để giúp Cty Phùng Vĩnh Hưng, Cty Minh Cường Phát trúng các gói thầu năm 2017.

Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng cho NXB Giáo dục Việt Nam. Quá trình điều tra, bị can Tô Mỹ Ngọc và Nguyễn Trí Minh đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án.

Trong vụ án, có 3 thành viên tổ tư vấn triển khai mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục năm 2018 - 2019 của NXB Giáo dục Việt Nam có hành vi thống nhất việc thực hiện mua sắm theo phương thức chào hàng cạnh tranh rút gọn đối với 7 gói thầu, tham gia tổ chức triển khai hoạt động đấu thầu trái quy định.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát Nhân dân đánh giá họ chỉ là cán bộ cấp dưới, thực hiện theo chỉ đạo cấp trên, không thông đồng với nhà thầu, không biết mục đích nhận tiền hối lộ của ông Thái, không được hưởng lợi. Vì vậy, cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ và có văn bản kiến nghị xem xét xử lý về Đảng và hành chính.

Đối với ông Nguyễn Trí Minh, khoảng tháng 7/2017, ông Minh gặp ông Thái ở phòng làm việc và giới thiệu Cty Minh Cường Phát là Cty cung cấp các loại giấy cho NXB Giáo dục Việt Nam trước đây. Ông Minh đề nghị tiếp tục được cung cấp giấy và được ông Thái đồng ý.

Sau khi được đưa vào danh sách và trúng thầu, tháng 9/2017, ông Minh và trợ lý tiếp tục ra Hà Nội, rút 400 triệu đồng, mua một hộp bánh, một chai rượu để trong túi giấy màu trắng rồi đến trụ sở NXB Giáo dục. Khi đến nơi, ông Minh lên phòng làm việc của ông Thái đưa túi quà cảm ơn. Cũng trong năm 2017, Cty Minh Cường Phát trúng thêm một gói thầu. Ông Minh và trợ lý lại bay ra Hà Nội, rút 2,5 tỷ đồng, mua hộp bánh, chai rượu và để vào túi xách đến cám ơn ông Thái.

Những năm sau đó, từ 2018 - 2020, cứ khi trúng thầu, ông Minh lại ra Hà Nội đến phòng làm việc của ông Thái và đưa túi quà cảm ơn ông Thái. Số tiền cảm ơn có 1 lần là 1 tỷ đồng, 2 lần còn lại mỗi lần 500 triệu đồng. Tổng số tiền ông Nguyễn Đức Thái đã nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng. Ông Thái khai tất cả những lần đưa tiền hối lộ, chỉ có hai người trong phòng làm việc của ông, nên lúc đưa tiền không ai chứng kiến. Nhận tiền xong, ông đều cất tiền vào két sắt sau bàn làm việc và sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Hà Nội, kết quả thiệt hại của vụ án là hơn 10 tỷ đồng. Quá trình điều tra, ông Thái thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nộp lại 3 tỷ đồng tiền nhận hối lộ, tự nguyện giao tài sản kê biên để khắc phục hậu quả vụ án. Trong khi đó, bà Ngọc nộp lại 19 tỷ đồng, ông Minh nộp lại 2,7 tỷ đồng là lợi nhuận thu từ các gói thầu năm 2017 để khắc phục hậu quả vụ án.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 4 ngày, từ ngày 14/1 - ngày 17/1.

Các bị can đã khắc phục hậu quả như thế nào?
Xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Nhật Nam
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động