Thứ hai 29/04/2024 04:17

Xe buýt chất lượng cao đi Sân bay Nội Bài hút khách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với phương châm “thuận tiện - đúng giờ - văn minh”, 2 tuyến buýt chất lượng cao từ trung tâm thành phố tới Sân bay Nội Bài ngày càng thu hút hành khách. Việc kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay sẽ hỗ trợ hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc.
Xe buýt chất lượng cao đi Sân bay Nội Bài hút khách
Tuyến xe buýt chất lượng cao kết nối nội thành Hà Nội với Sân bay Nội Bài.

Ngày càng hút khách

Được đưa vào vận hành từ năm 2016 với tuyến buýt chất lượng cao số hiệu 86 (Sân bay Nội Bài - Ga Hà Nội) và tuyến buýt 68 (Hà Đông - Sân bay Nội Bài) vận hành từ năm 2019, đến nay, 2 tuyến buýt này đã vận chuyển hàng triệu hành khách đi lại.

Có nước sơn màu cam đặc trưng, khác biệt so với các tuyến buýt thông thường, buýt 86 (sức chứa tối đa 80 người) và buýt 68 (sức chứa tối đa 60 người) có chỗ để hành lý lớn, mặt sàn rộng thoáng đáp ứng nhu cầu để hành lý của hành khách.

Trên xe trang bị đầy đủ hệ thống đèn LED hiển thị thông tin tuyến đường và loa thông báo hiện đại, camera giám sát và wifi miễn phí cho khách hàng dễ dàng truy cập và sử dụng.

Nhân viên lái xe kiêm bán vé trên cả 2 tuyến đều được tuyển chọn đào tạo đầy đủ kỹ năng để có thể giao tiếp; hỗ trợ dịch chuyển hành lý lên xuống xe. Tại khu vực Sân bay Nội Bài, bố trí 2 nhân viên điều hành có nhiều năm kinh nghiệm làm việc nhằm hỗ trợ khách đặc biệt là du khách nước ngoài khi mới đến Việt Nam còn bỡ ngỡ chưa quen thuộc với Hà Nội.

Là đơn vị vận hành và khai thác 2 tuyến buýt chất lượng cao này, ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) chia sẻ: “Với tần suất từ 30 - 45phút/lượt, phục vụ từ 5h30 đến 22h30 hàng ngày, dựa theo lịch trình các chuyến bay mỗi ngày và nhu cầu của hành khách, đơn vị điều hành linh hoạt nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của hành khách”.

Ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin thêm, sau thời gian dài vận hành, 2 tuyến buýt này đã chuyên chở hàng triệu hành khách đi lại. Trong những dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, đơn vị luôn chủ động bố trí dự phòng xe tăng cường từ 1 - 2 xe/ngày hoặc có thể hơn để giải tỏa khách cho sân bay.

Tại điểm đón khách tại Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, du khách Peter Samuel đến từ Pháp chia sẻ: “Tôi được bạn bè hướng dẫn sử dụng tuyến buýt số 86 để di chuyển từ sân bay vào trung tâm Thủ đô. Tôi cũng đã tìm hiểu kỹ càng về thông tin lộ trình đi lại trên các trang mạng xã hội, diễn đàn du lịch tại Việt Nam. Trong đó, có khá nhiều du khách hướng dẫn nên chọn đi buýt 86 để về trung tâm Hà Nội”.

Do tính chất công việc phải di chuyển ra Bắc vào Nam nhiều nên máy bay là phương tiện đi lại thường xuyên. Ngày trước, khi chưa có xe buýt 86, anh Nguyễn Thành Đồng, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thường đi bằng xe đưa đón của các hãng hàng không tại số 1 Quang Trung với giá 45.000 đồng/lượt nhưng phải chờ xe xếp đầy khách mới được đi. Trường hợp cấp bách, người đi lại phải chọn taxi với giá khoảng 230.000 đồng, rất tốn kém.

“Ngoài giá vé hợp lý, buýt 86 chạy đúng giờ. Với thời gian ổn định 50 - 60 phút/hành trình nên tôi có thể chủ động thời gian để không lỡ chuyến bay” - anh Nguyễn Thành Đồng chia sẻ.

Nghiên cứu mở thêm tuyến

Ông Nguyễn Minh Tuấn khẳng định: “Khi sử dụng dịch vụ của 2 tuyến buýt này, hành khách luôn được đảm bảo đầy đủ các quyền lợi cũng như bảo hiểm trong suốt quá trình vận hành; đồng thời đơn vị luôn duy trì đường dây nóng 24/7 nhằm giải đáp các thắc mắc cũng như hỗ trợ thông tin, giải quyết sự cố trong suốt quá trình phục vụ”.

Nếu so sánh với hình thức xe taxi truyền thống, xe công nghệ với mức chi phí di chuyển tối thiểu 250.000 - 350.000 đồng, việc lựa chọn đi xe buýt chất lượng cao 68, 86 giá vé từ 45.000 - 50.000 đồng/lượt giúp hành khách tiết kiệm được chi phí cho hành trình.

Các loại hình như xe ghép chuyến đi, taxi dù đang tràn lan như hiện nay cũng là một thách thức lớn đối với 2 tuyến buýt, tuy nhiên, vị đại diện Transerco tiết lộ, trong giai đoạn vừa qua, các loại hình này bộc lộ hạn chế khi rất nhiều phản ánh của khách hàng về việc “chặt chém” giá, “bán” khách dọc đường, không có đầu mối chịu trách nhiệm khi xảy ra các phát sinh trên tuyến, nguy hiểm do lái xe không rõ xuất xứ không có đơn vị quản lý…

Để tăng sự hài lòng và tương tác tốt với hành khách, đơn vị khai thác 2 tuyến buýt này dự tính triển khai thêm Mobile App để khách có thể tự kiểm soát thông tin lộ trình tuyến, xây dựng phát triển Fanpage Facebook, Website để từ đó tiến tới mô hình đặt vé Online; tiếp nhận ý kiến khách hàng cho Bộ phận chăm sóc khách hàng có thể xây dựng hoàn thiện thêm dịch vụ, tiện ích.

Đánh giá với chỉ có 2 tuyến buýt chất lượng cao và 3 tuyến buýt trợ giá kết nối với Sân bay Nội Bài thì vẫn còn rất nhiều những khu vực khác chưa có tuyến buýt trực tiếp kết nối với sân bay, Transerco đang nghiên cứu và sẽ đề xuất thêm từ 1 - 2 tuyến có lộ trình khác với hai tuyến buýt trên kết nối với các khu vực còn lại của Thủ đô. Việc này nhằm tránh trùng lặp tuyến dẫn đến lãng phí và lộn xộn trên đầu Sân bay Nội Bài.

Tuyến xe buýt 86 được nhiều du khách đánh giá đi đúng giờ, giá vé rẻ và chất lượng dịch vụ khá tốt. Nhân viên lại nói rất tốt tiếng Anh nên nếu có thắc mắc gì về địa điểm đến sẽ được giải đáp thông tin" - anh Peter Samuel, du khách đến từ Pháp nhận xét
“Với phương châm luôn đặt quyền lợi khách hàng là sự quan tâm hàng đầu, chúng tôi tin rằng càng ngày sẽ càng có nhiều người biết đến dịch vụ và lựa chọn dịch vụ của 2 tuyến xe buýt chất lượng cao này” - ông Nguyễn Minh Tuấn - đại diện Transerco
Thí điểm thu phí tự động tại Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong 6 tháng
Xem xét tăng phí 4 tuyến đường cao tốc năm 2024
Một Hà Nội thu nhỏ, đậm đà bản sắc truyền thống tại sân bay Nội Bài
Phạm Công
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động