Xây dựng trường mầm non an toàn, phòng chống tai nạn thương tích
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXây dựng trường mầm non an toàn, phòng chống tai nạn thương tích |
Theo dự thảo, môi trường giáo dục an toàn là môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong đó trẻ em được bảo vệ, được đối xử công bằng, nhân ái; không bị bạo hành, xâm hại; môi trường giảm thiểu tối đa hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích; trẻ em được dễ dàng tiếp cận với môi trường xung quanh, được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện phù hợp với độ tuổi, giới tính và khả năng của bản thân.
Dự thảo nêu rõ các quy định bảo đảm môi trường giáo dục an toàn bao gồm: Thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng công trình, điều kiện cơ sở vật chất trong cơ sở giáo dục mầm non, kịp thời phát hiện và xử lí các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng có nguy cơ gây mất an toàn.
Xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng chống bạo hành; phòng tránh trẻ bị thất lạc; phòng, chống cháy, nổ; ứng phó với dịch bệnh, thảm họa, thiên tai trong cơ sở giáo dục mầm non. Kịp thời xử lí khi xảy ra mất an toàn theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định; bảo đảm các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm và các quy định về an toàn thực phẩm (đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bữa ăn bán trú).
Dự thảo cũng quy định rõ về việc giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em. Theo đó, lồng ghép giáo dục trẻ em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng tránh xâm hại trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.
Tăng cường giáo dục trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông qua hình thức trải nghiệm, thực hành xử trí tình huống bảo vệ bản thân phù hợp với nhu cầu, độ tuổi của trẻ em. Trang bị đồ chơi, tài liệu, học liệu giáo dục về bảo đảm an toàn dành cho trẻ em phù hợp với độ tuổi, phù hợp với văn hóa địa phương.
Về tiêu chuẩn cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, dự thảo nêu rõ gồm: Trong năm học tại cơ sở giáo dục mầm non: Không có tình trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại; không có trẻ em bị tai nạn thương tích nặng phải nằm viện trong thời gian được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non; không có tình trạng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên bạo hành, xâm hại trẻ em hoặc ứng xử thiếu văn hóa, vi phạm đạo đức nhà giáo; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hoặc có dịch bệnh lây lan trên diện rộng tại cơ sở giáo dục mầm non.
Kết quả đánh giá tiêu chí cơ sở giáo dục mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích quy định tại Phụ lục Thông tư này. Đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non: Có tối thiểu 40 tiêu chí (bao gồm 20 tiêu chí bắt buộc) được đánh giá ở mức “đạt”. Đối với nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập: Có tối thiểu 30 tiêu chí (bao gồm 15 tiêu chí bắt buộc) được đánh giá ở mức “đạt”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại