Xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDu lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững''. Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm 2023. Hội nghị được tổ chức trong không khí cả nước đang nỗ lực thực hiện đạt cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2023, tạo đà cho những kết quả tốt hơn trong năm 2024; và cũng là giai đoạn đầu của mùa du lịch cuối năm (thường từ tháng 10 hằng năm đến tháng 3 năm sau).
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã phân tích, làm rõ những tiềm năng, cơ hội, lợi thế của du lịch Việt Nam. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành du lịch như: liên kết giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu hiệu quả; các sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, thiếu sáng tạo, chất lượng chưa cao. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn dài hạn; chưa có các chiến dịch kích cầu du lịch tầm cỡ quốc gia, chưa có nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, trở thành thương hiệu của du lịch Việt Nam.
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa; đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”. Thủ tướng yêu cầu Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới là phát triển du lịch nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiện đại, với định vị thương hiệu du lịch quốc gia: “Việt Nam - Điểm đến An toàn, thân thiện, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi” hình thành chuỗi giá trị du lịch trong nước và quốc tế.
Về định hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và hiệp hội ngành nghề, DN trong lĩnh vực du lịch cần nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 82 của Chính phủ với phương châm “liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện”.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đồng thời, đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch các địa phương làm tốt công tác chỉ đạo, điều phối sự hợp tác, liên kết của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể trong phát triển du lịch; kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn vướng mắc, đề xuất chính sách mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, xu hướng phát triển của thế giới.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò kết nối cộng đồng DN du lịch; tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động, làm giàu chính đáng, tuân thủ đúng pháp luật và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại