Thứ sáu 03/05/2024 13:49

Xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo an toàn các công trình lân cận

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật...

Hỏi: Anh H hàng xóm sát cạnh nhà tôi thực hiện xây nhà 2 tầng tại quận X, khi nhà anh xây xong phần thô thì nhà tôi xuất hiện hiện tượng nứt ngang cổ trần nhà, nước mưa thấm vào tường nhà tôi (trước đó không hề có hiện tượng này). Tôi có yêu cầu anh H phải khắc phục tình trang này và sửa chữa lại tường nhà cho gia đình tôi. Tuy nhiên anh H nhất quyết không thực hiện các giải pháp khắc phục. Xin hỏi hành vi của anh H có vi phạm quy định pháp luật không? Nếu có thì có thể xử lý vi phạm như thế nào?

(Luyện Lan Phương, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội)

xay dung nha o rieng le phai dam bao an toan cac cong trinh lan can
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tại khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng quy định yêu cầu đối với thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ như sau:

“7. Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định như sau:

a) Thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng yêu cầu thiết kế quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Hộ gia đình được tự thiết kế nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới 3 tầng hoặc có chiều cao dưới 12 mét, phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.”

Theo quy định trên anh H xây dựng nhà 2 tầng thì được phép tự thiết kế nhà ở tuy nhiên phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận. Nhà anh H xây dựng gây nứt cổ trần, thấm nước vào tường nhà hàng xóm, tức là không đảm bảo an toàn cho công trình lân cận, anh H phải chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng của mình theo quy định tại Khoản 7 Điều Điều 79 Luật Xây dựng.

Mặc dù bạn đã yêu cầu khắc phục tình trạng nhưng anh H nhất quyết không thực hiện giải pháp gì. Vậy, hành vi của anh H được xác định là đã tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận. Khi các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự, thì có thể áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, cụ thể như sau:

“Điều 30. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng

...

2. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.

....

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc buộc bổ sung phương tiện, biện pháp che chắn theo quy định đối với hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này;

b) Buộc bồi thường thiệt hại theo quy định đối với hành vi quy định tại khoản 2 điều này.”

Như vậy, hành vi tổ chức thi công xây dựng nhà tại quận X vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây nứt hoặc hư hỏng công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự) của anh H sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Áp dụng Điều 4 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định mức tiền phạt quy định tại điểm b khoản 2 Điều 30 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, và Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định “Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”.

Xác định mức tiền phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây nứt hoặc hư hỏng công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự) là 17.500.000 đồng (mức trung bình khung tiền phạt).

Ngoài ra, anh H còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 4 Điều 30 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP: “Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu” và “Buộc bồi thường thiệt hại theo quy định”.

Hoàng Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động