Xây dựng các sàn giao dịch về việc làm, bất động sản và quyền sử dụng đất
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKhách hàng đang tham quan Dự án Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn, Hải Phòng) Ảnh: Nguyễn Đăng |
Khuyến khích sàn giao dịch việc làm của DN
Báo cáo Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, hiện cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khoảng 500 DN hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định thống nhất tên gọi, nội hàm hoạt động giao dịch việc làm thông qua sàn giao dịch trực tiếp và trực tuyến. Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu thốn, lạc hậu. Hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho dội ngũ cán bộ, nhân viên dịch vụ việc làm chưa được quan tâm, đầu tư đầy đủ. Cơ sở dữ liệu việc làm còn tản mát, thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các trung tâm, DN cung cấp dịch vụ việc làm…
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự cần thiết hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia kết nối với các sàn giao dịch trực tuyến hiện có. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị cần xây dựng, ban hành quy định về chuẩn hoá trong thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu việc làm trên toàn quốc làm cơ sở tổ chức các hoạt động của sàn giao dịch việc làm và chia sẻ, kết nối thông tin dịch vụ việc làm công lập và tư nhân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức hoạt động giao dịch việc làm, nhất là trên không gian mạng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong thời gian tới, thị trường lao động cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với nguồn nhân lực lao động và người sử dụng cho cả khu vực công lập và tư nhân; kết nối thông tin việc làm tại những khu vực mà DN chưa bao phủ; khuyến khích sàn giao dịch việc làm của DN. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các bộ, ngành để chuẩn hoá dữ liệu, kết nối các trung tâm, sàn giao dịch việc làm công lập, tư nhân để các bộ, ngành, địa phương, DN, người lao động cả nước có thể tiếp cận đầy đủ, thuận lợi.
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh
Về đề xuất xây dựng các sàn giao dịch BĐS, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến hết năm 2020, cả nước có trên 1.600 sàn giao dịch BĐS đã góp phần hạn chế các giao dịch phi chính thức, chống thất thu thuế, cung cấp thông tin về thị trường BĐS cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục hoàn thiện và duy trì hoạt động của các sàn giao dịch BĐS theo hướng bổ sung thêm các loại hình BĐS phải giao dịch qua sàn để bảo đảm quyền và lợi ích của người dân; chống thất thu thuế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hình thành công cụ quản lý thông tin của Nhà nước để đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định.
Đối với hoạt động giao dịch quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thị trường quyền sử dụng đất đã hình thành nhưng hoạt động thiếu ổn định, thiếu minh bạch, chưa bền vững, chưa có sự liên thông với thị trường sản xuất khác.
Hệ thống thông tin về thị trường quyền sử dụng đất chưa đầy đủ dẫn đến việc tiếp cận nguồn lực đất đai của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn; chưa có cơ chế, chính sách để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá đất giao dịch thực tế trên thị trường để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về giá đất. Do vậy, việc thành lập mô hình về sàn giao dịch BĐS, trong đó có giao dịch về quyền sử dụng đất, là cần thiết và cấp bách, đồng thời tiến tới đồng bộ hoá quản trị quốc gia.
Về nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, căn cứ chính trị, pháp lý đối với các thị trường việc làm, BĐS, đất đai ở Việt Nam đã rõ ràng nên cần hình thành sàn giao dịch quốc gia về BĐS và quyền sử dụng đất, áp dụng cho cả tài sản công và khu vực tư nhân; cũng như tạo điều kiện cho các sàn giao dịch tư nhân phát triển lành mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản pháp lý quy định vị trí, mối quan hệ giữa sàn giao dịch BĐS công lập và tư nhân; quy chuẩn, tiêu chuẩn của DN, hàng hóa tham gia giao dịch trên sàn; cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành và trách nhiệm của các sàn giao dịch đối với DN, hàng hóa giao dịch trên sàn; cơ chế kết nối thông tin, dữ liệu giữa các sàn giao dịch…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch BĐS, quyền sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh hay thu lợi nhuận thì không bắt buộc thực hiện trên sàn giao dịch nhưng cần có chính sách khuyến khích để góp phần công khai, minh bạch giá BĐS cũng như thu thập dữ liệu về thị trường đất đai. |
Nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản | |
Khi tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp bất động sản: Có giải pháp điều chỉnh phù hợp nhằm gỡ khó |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại