Nâng cao hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh Phiên họp thứ nhất Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội. ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội |
Tại phiên họp, Đoàn giám sát đã nghe công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Đoàn giám sát và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát. Các thành viên Đoàn giám sát cũng đã thảo luận, góp ý kiến về Kế hoạch và Đề cương của Đoàn giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023; thống nhất một số vấn đề liên quan đến phân công trách nhiệm các thành viên Đoàn giám sát và việc tổ chức thực hiện các hoạt động của Đoàn.
Theo Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát, mục đích giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội (NƠXH); đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Sáu tới.
Về phạm vi, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà NƠXH từ ngày 1/7/2015 đến hết 31/12/2023 trên phạm vi cả nước. Về nội dung giám sát, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, Đoàn sẽ tập trung giám sát về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường BĐS; công tác quy hoạch; tình hình hoạt động của DN BĐS; việc triển khai các dự án BĐS; tín dụng của thị trường BĐS; các nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS; kinh doanh dịch vụ BĐS; công khai, minh bạch thông tin về thị trường BĐS; điều tiết thị trường BĐS; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh BĐS;...
Đối với phát triển NƠXH, nội dung giám sát tập trung vào chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển NƠXH; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về NƠXH; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng NƠXH; việc thực hiện dự án NƠXH (bao gồm: trình tự, thủ tục đầu tư dự án NƠXH, trong đó có việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH; ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH); loại nhà và tiêu chuẩn diện tích NƠXH; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán NƠXH; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH; quản lý, vận hành NƠXH …
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ động chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan tích cực, khẩn trương, triển khai các công việc, nội dung tham mưu bám sát Nghị quyết về Chương trình giám sát, Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát bảo đảm yêu cầu về tiến độ và chất lượng đề ra. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Đoàn giám sát cần quán triệt yêu cầu của Đoàn giám sát, phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát.
Nhấn mạnh thị trường BĐS hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, DN, tăng trưởng và phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hiện nay thị trường BĐS đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, mà yêu cầu cơ bản, xuyên suốt đó chính là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường. Liên quan đến NƠXH, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với lĩnh vực NƠXH, sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, song song với việc bảo đảm về chất lượng, đáp ứng được mức sống ngày càng cao của người dân và phù hợp xu hướng phát triển bền vững, là động lực phát triển kinh tế xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện kỹ lưỡng nội dung trong từng Đề cương báo cáo của các chủ thể là đối tượng chịu sự giám sát ở trung ương (Chính phủ và các bộ, ngành) cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý của mỗi chủ thể được giao trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NƠXH. Đồng thời, rà soát Đề cương Báo cáo áp dụng cho HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, cho Đoàn ĐBQH các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đối với nội dung giám sát sao cho sát thực với vai trò, quyền, trách nhiệm về giám sát của các chủ thể tại địa phương theo quy định của pháp luật. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại