Xác định lộ trình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu, xây dựng Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrong phần góp ý của mình, ông Lê Văn Dương hoàn toàn nhất trí dự thảo đã đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XVI, đồng thời chỉ ra các điểm đột phá, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, qua đó có thêm những góp ý bổ sung với Dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
Đề cập đến chỉ tiêu đô thị hóa, nhất là thúc đẩy các huyện lên quận, ông Lê Văn Dương góp ý, cần cụ thể hóa chỉ tiêu có bao nhiêu huyện phát triển lên quận trong nhiệm kỳ tới, từ đó, phần nhiệm vụ, giải pháp phải đậm nét hơn, có các chương trình, nghị quyết, chương trình riêng, cụ thể, rõ ràng từng bước để thúc đẩy đô thị hóa tại những huyện được quy hoạch lên quận.
Đánh giá cao mục tiêu tổng quát trong Dự thảo báo cáo chính trị của Hà Nội, ông Lê Văn Dương đề nghị cần xác định lộ trình cụ thể trong việc thực hiện mục tiêu, xây dựng Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, xây dựng thành phố thông minh.
Đặc biệt, đề nghị xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não, các hoạt động của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đối ngoại quốc gia, các sự kiện chính trị lớn diễn ra trên địa bàn TP. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại các hoạt động chống phá của các thế lực xấu, thù địch, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Nhiều tuyến phố của Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. |
Đề cập đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Hà Nội, ông Lê Văn Dương cho rằng, trong chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người, cần tách ra thu nhập bình quân ở đô thị và khu vực nông thôn, trên cơ sở đó, sau khi Nghị quyết được ban hành mới có cơ sở để triển khai trong thực tế nhằm tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ mới.
Liên quan đến lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Lê Văn Dương chia sẻ, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Thành phố cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4... Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng.
Về lĩnh vực kinh tế, theo ông Dương, Hà Nội đánh giá kinh tế trong nhiệm kỳ qua tăng trưởng khá, đây là một đánh giá khiêm tốn, bởi thực tế mức tăng trưởng bình quân trên 7% trong 5 năm qua là mức tăng trưởng cao và có đóng góp quan trọng với tăng trưởng của cả nước. Về tín dụng, Hà Nội cũng là địa phương có mức tăng trưởng rất nhanh, chiếm hơn 34% tổng mức huy động tín dụng của cả nước. Cùng với huy động vốn thì tín dụng đầu tư cho nền kinh tế của Hà Nội cũng cao nhất cả nước, vì thế trong phần đánh giá cần nêu bật nội dung này để khẳng định nền kinh tế của Hà Nội rất bền vững. Thực tế trong đại dịch COVID-19 vừa qua cũng chứng minh sức bền của doanh nghiệp Hà Nội và kinh tế Thủ đô khi vẫn duy trì tăng trưởng trên 3%...
Góp ý về phần giải pháp phát triển kinh tế tập thể, ông Lê Văn Dương đề nghị cần làm rõ hơn chủ trương lãnh đạo của cấp ủy về vấn đề này để tương xứng với các loại hình kinh tế khác. Mặt khác, xây dựng nông thôn mới đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của hợp tác xã. Do đó cần tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ hệ thống hợp tác xã thực hiện vai trò nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã…
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại