Thanh tra thành phố Hà Nội: tọa đàm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác thanh tra
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh Hội nghị. |
Đạt nhiều kết quả tích cực trên mọi mặt công tác
Tham dự Hội nghị có Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực I – Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng; Thanh tra viên chính Vụ Kế hoạch Tổng hợp – Thanh tra Chính phủ Nguyễn Duy Đức; Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Trọng Hòa; các đồng chí Trưởng các phòng thuộc Thanh tra TP; Công chức thuộc Phòng, Văn phòng, Thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Giám sát thẩm định và xử lý sau thanh tra cùng đại diện các Sở thuộc TP, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Trọng Hòa cho biết, trong những năm trở lại đây, ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra TP Hà Nội nói riêng không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đã đạt nhiều kết quả khá tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.
Lãnh đạo Cục Thanh tra và lãnh đạo Thanh tra TP Hà Nội tham dự Hội nghị. |
Năm 2023, ngành Thanh tra Hà Nội đã triển khai 370 cuộc thanh tra hành chính (tăng 9,1% so với năm 2022) và 17.676 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 11,4% so với năm 2022). Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong năm 2023, các cơ quan hành chính của thành phố tiếp 34.656 người đến KNTC, kiến nghị, phản ánh về 18.002 vụ việc; trong đó có 75 lượt đoàn đông người với 37 vụ việc.
Công tác tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch số 299/KH-UBND ngày 23/11/2022 của UBND Thành phố về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Qua đó đã góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Trọng Hòa phát biểu tại Hội nghị. |
Về công tác phòng, chống tham nhũng, năm 2023, Thanh tra TP Hà Nội tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: kiểm tra công khai, minh bạch tại 888 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 02 đơn vị vi phạm; kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 02 vụ việc và 02 cá nhân vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường 199 triệu đồng; kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 474 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 15 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 809 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Theo Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội Nguyễn Trọng Hòa, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thanh tra nói chung và Thanh tra TP Hà Nội nói riêng cũng gặp nhiều vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: xác định nội dung định hướng xây dựng kế hoạch thanh tra năm, công tác xác minh tài sản thu nhập, kê khai tài sản thu nhập, xử lý chồng chéo trong công tác Thanh tra…
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm
Để triển khai thực hiện, nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức làm công tác Thanh tra, trong thời gian tới, Phó Chánh Thanh tra TP Hà Nội đề nghị các đơn vị tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, tiến hành thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Nội dung thanh tra hành chính tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ xẩy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm, tham nhũng, như: Quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; tài chính, ngân sách, ngân hàng, chứng khoán, quản lý tài sản công...
Hoạt động thanh tra phải được tiến hành theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Tăng cường giám sát hoạt động thanh tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.
Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực I – Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng tuyên truyền, phổ biến một số nội dung cơ bản về kiểm soát tài sản thu nhập. |
Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những công tác quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhất là đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Ngành Thanh tra tăng cường trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tham mưu giải quyết đúng chính sách, pháp luật trên 85% vụ việc thuộc thẩm quyền, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, chú trọng việc hoà giải các tranh chấp trong nhân dân, thực hiện tốt biện pháp đối thoại công khai, dân chủ với công dân để làm rõ nội dung vụ việc, phải xem xét đầy đủ các căn cứ pháp lý, tình hình thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm và xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Thực hiện nghiêm và đầy đủ chương trình, kế hoạch công tác về phòng, chống tham nhũng; đánh giá chính xác tình hình tham nhũng và kết quả công tác phòng, chống tham nhũng; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; chủ động phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát để đề nghị khởi tố, điều tra vụ án tham nhũng; thực hiện tốt các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
Thanh tra viên chính Vụ Kế hoạch Tổng hợp – Thanh tra Chính phủ Nguyễn Duy Đức chia sẻ những thông tin về công tác xây dựng, định hướng kế hoạch thanh tra. |
Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường PBGDPL về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ làm thanh tra; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thanh tra cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý cán bộ, công chức thanh tra có biểu hiện lệch lạc, vi phạm nguyên tắc, tiêu cực, tham nhũng.
Đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá từng nội dung, lĩnh vực và việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra để kịp thời rút kinh nghiệm, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo; động viên, khen thưởng kịp thời các cán bộ, công chức thanh tra có thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực I – Thanh tra Chính phủ Ngô Mạnh Hùng giới thiệu một số nội dung cơ bản về kiểm soát tài sản thu nhập. Thanh tra viên chính Vụ Kế hoạch Tổng hợp – Thanh tra Chính phủ Nguyễn Duy Đức chia sẻ thông tin về công tác xây dựng, định hướng kế hoạch thanh tra.
Tại Hội nghị cũng diễn ra tọa đàm nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tháo gỡ và đề xuất kịp thời đến cấp có thẩm quyền để khắc phục những vướng mắc, bất cập đó.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại