Thứ năm 28/03/2024 23:04

Vứt con mới đẻ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vụ việc một phụ nữ 19 tuổi tại huyện Việt Yên, Bắc Giang vứt con mới đẻ vào nhà vệ sinh khiến bé tử vong lại một lần nữa dóng lên hồi chuông báo động về tình trạng vứt con, bỏ con của các cô gái trẻ.
Vứt con mới đẻ là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Vứt con mới sinh là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Theo đó, ngày 12/4, Công an huyện Việt Yên (Bắc Giang) đã ra thông báo truy tìm V.T.T (SN 2003) để phục vụ điều tra vụ việc chị T. có dấu hiệu vứt con mới đẻ.

Ngày 13/4, chị T. đã ra trình diện và bước đầu khai nhận, tháng 1/2022, chị T. sinh con trong nhà vệ sinh của công ty tại Khu công nghiệp Đình Trám vào ban đêm. Chị T. đã tự cắt rốn con rồi vứt sang phòng vệ sinh bên cạnh và bỏ đi.

Hành động mẹ bỏ con mới đẻ của chị T. không còn là câu chuyện mới. Trước đó đã có rất nhiều những phụ nữ trẻ dứt ruột đẻ con ra rồi bỏ rơi ở bệnh viện, khu dân cư, thậm chí ném từ nhà cao tầng hoặc xuống hố ga. Những đứa trẻ đó có bé may mắn sống sót và được những người không máu mủ ruột rà cưu mang, nhưng cũng có đứa trẻ đã vĩnh viễn ra đi khi mới chào đời chỉ vài giờ ngắn ngủi…

Hành động nông nổi của những người mẹ trong các câu chuyện trên khiến dư luận trách móc vô cùng, đồng thời xót thương những đứa trẻ kém may mắn. Cái chung của những vụ việc kiểu này đa phần do các bà mẹ có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có những bà mẹ còn chưa qua tuổi vị thành niên.

Có nhiều lý do để các bà mẹ dứt ruột bỏ đi những đứa trẻ do chính mình sinh ra. Theo các chuyên gia tâm lý, việc quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mang thai ngoài ý muốn với các cô gái trẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngày càng nhiều các vụ bỏ con.

Ngoài ra, đó còn là do sợ hãi bởi những định kiến xã hội, sợ dư luận, không dám đối mặt với sự chỉ trích bởi tư tưởng “không chồng mà chửa”, hoặc những lên án của người đời… Cũng không loại trừ do bị trầm cảm, rối loạn tâm thần sau sinh khiến những bà mẹ trẻ có những hành động dại dột.

Theo Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người có một trong các hành vi sau đây: Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;

Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Như vậy, người mẹ nếu bỏ rơi con mới sinh thì sẽ bị phạt hành chính số tiền lên đến 15.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người mẹ bắt buộc phải nhận con về và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con mình khôn lớn. Trong trường hợp hành vi bỏ rơi con mới sinh dẫn đến hậu quả là đứa trẻ đó bị chết thì người mẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, việc bỏ con mới sinh còn có thể xử lý hình sự. Căn cứ theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự về tội "Giết người" hoặc vứt bỏ con mới đẻ cụ thể như sau: Người mẹ nào do ảnh hưởng năng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Như vậy, không phải chỉ hành vi giết con mới đẻ thì mới bị chịu trách nhiệm hình sự mà đối với hành vi vứt con mới đẻ trong vòng 07 ngày tuổi mà dẫn đến đứa trẻ chết thì người mẹ vẫn phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật.

Cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trình độ hiểu biết, hoàn cảnh gia đình, cảm xúc, nhận thức của đối tượng để xác định người này có thực sự "bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu" hay "trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt" không.

Nếu có căn cứ xác định người phụ nữ đã mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác dẫn đến mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi vứt bỏ con, thì người mẹ không bị xử lý hình sự xong sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động