Thứ bảy 20/04/2024 10:49

Vụ việc một nhà báo bị xúc phạm, đe dọa: Có dấu hiệu của hành vi đe dọa giết người

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong quá trình hoạt động báo chí, nhiều nhà báo, phóng viên đang bị “gây khó” khi làm việc tại một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp, thậm chí bị đe dọa, hành hung, phá hoại tài sản. Vậy, việc đe dọa, cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?
Viết bài phản ánh về bãi xe không phép, một nhà báo bị doạ giết cả nhà
Những nhà báo nữ lan tỏa lòng nhân ái đến với cuộc đời
TikTok là một kênh hiệu quả để cơ quan báo chí kết nối với bạn đọc

Nhà báo bị đe dọa

Ngày 20/6, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Công văn số 03 CV/HNBVN về việc đề nghị xử lý vụ việc đe dọa, uy hiếp phóng viên. Công văn nêu rõ, ngày 20/6, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được báo cáo của Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phản ánh việc nhà báo L.T.Đ. bị một đối tượng lạ có hành vi đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình.

Theo đó, vào lúc 21g43 ngày 15/6, có một đối tượng lạ dùng số máy 0965332598 tự xưng là Công, SN 1995, ở Lê Chân, TP Hải Phòng gọi cho ông Đ. và liên tục chửi bậy, đối tượng nói đang tìm để giết ông Đ. và cả vợ con nhà báo. Ông Đ. có hỏi vì sao lại dọa giết và biết số điện thoại thì đối tượng có nói đến bài báo liên quan đến “ông anh” của đối tượng Công.

Nhà báo
Nhà báo L.T.Đ, Thư ký toà soạn Báo Kinh tế & Đô thị bị đe doạ

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, việc đối tượng đe dọa, khủng bố tinh thần, uy hiếp phóng viên đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhà báo L.T.Đ., thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí.

Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhà báo L.T.Đ. Đồng thời, đề nghị CA TP Hà Nội tiến hành điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm và thông báo kết quả điều tra, xử lý với Hội Nhà báo Việt Nam (qua Ban Kiểm tra) bằng văn bản.

CA quận Hà Đông cũng đã tiếp nhận đơn trình báo của phóng viên L.T.Đ. và đang tiến hành xử lý theo quy định.

Bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà báo

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, với những hành vi đe dọa cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp nêu trên, đối tượng gây cản trở có bị xử lý không? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây liên tục xảy ra các vụ việc các đối tượng côn đồ mạnh động có hành vi đe dọa, thậm chí hành hung, tấn công lại đối với các nhà báo, phóng viên khi họ tác nghiệp, đưa tin phản ánh các vụ việc trong đời sống xã hội, khiến cho hoạt động nghề nghiệp của họ bị ảnh hưởng, thậm chí tính mạng sức khỏe cũng bị đe dọa.

Xu hướng các vụ việc hiện nay ngày càng nghiêm trọng, bởi vậy ngoài việc mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định, các cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của họ.

Luật sư Thái phân tích: Dưới góc độ xã hội, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

Đối tượng đe doạ nhà báo khi tác nghiệp có thể bị xử lý hình sự
Đối tượng đe doạ nhà báo khi tác nghiệp có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh hoạ)

Bởi vậy, cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như có vai trò rất quan trọng trong việc đưa tin, phản ánh các thông tin, sự kiện xã hội chính xác nhất đến công chúng, góp phần ổn định chính trị, phát triển mọi mặt đời sống xã hội.

Chính vì vai trò quan trọng như vậy, Luật Báo chí 2016 đã thể hiện rõ việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, cũng bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, bảo đảm quyền hành nghề của nhà báo, không ai được xâm hại đến hoạt động tác nghiệp đúng pháp luật của nhà báo…

Khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Việc cản trở hoạt động báo chí được biểu hiện ở các hành vi dùng lời nói, hoặc việc làm nhất định nhằm ngăn cản, gây khó khăn cho quá trình tác nghiệp của các nhà báo, phóng viên; ngăn cản trái phép, không cho nhà báo, phóng viên ghi hình, tiếp cận và thu thập thông tin, tài liệu theo đúng quy định của pháp luật.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hiện nay, Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản quy định rõ mức phạt. Cụ thể, hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, luật sư Thái cũng cho biết, trong các trường hợp ở mức độ nghiêm trọng và tùy thuộc vào từng vi phạm cụ thể thì các hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Đe dọa giết người”. Theo đó Điều 133 BLHS năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau qua điện thoại, thư từ…hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa như đi tìm công cụ, phương tiện…

Cụ thể, tội đe dọa giết người được coi là tội phạm ít nghiệm trọng, do đó khung hình phạt cơ bản của tội này có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm. Đối với trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết tăng nặng như: Đe dọa giết nhiều người; đe dọa giết người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của họ; đe dọa giết trẻ em; đe dọa giết người để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội khác thì bị coi là tội phạm nghiêm trọng, bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Liên quan đến vấn đề này, nhà báo Trần Quang Khởi, truyền hình “Người đưa tin TV” - Tạp chí Đời sống & Pháp luật cho biết, mặc dù có nhiều cơ chế xử lý hành vi cản trở báo chí, song hiệu quả xử lý còn thấp. Các nhà báo, phóng viên khi đi tác nghiệp, thu thập thông tin cũng là thi hành công vụ vì họ thực hiện nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao. Vì vậy, đối với những hành vi cản trở hoạt động báo chí là hành vi chống người thi hành công vụ, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm, kịp thời để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, cũng như bảo đảm cho hoạt động nghề nghiệp của các phóng viên, nhà báo.

Bên cạnh đó, mỗi nhà báo, phóng viên cần trang bị cho mình những kỹ năng, kinh nghiệm phòng bị, xử lý các tình huống nhất định khi đối tượng có hành vi cản trở, đe dọa, hành hung trái pháp luật. Đồng thời, nhà báo phải tác nghiệp đúng pháp luật bằng cách tìm hiểu và đưa ra các thông tin khách quan, chau chuốt câu chữ, không để các đối tượng hiểu nhầm dẫn đến những phản ứng thái quá, gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của mình.

"Hơn lúc nào hết, mỗi phóng viên, nhà báo cần một điểm tựa để xả thân tác nghiệp. Nếu việc hành hung nhà báo không được loại trừ, sẽ làm giảm nhiệt huyết chống tiêu cực trong mỗi cây bút, khi những tổn thương và áp lực vẫn đè nặng lên họ”, nhà báo Trần Quang Khởi cho hay.
Viết bài phản ánh về bãi xe không phép, một nhà báo bị doạ giết cả nhà Viết bài phản ánh về bãi xe không phép, một nhà báo bị doạ giết cả nhà

Vừa qua, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của anh L.T. Đ, nhà báo hiện đang công tác ...

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động