Vụ sốc phản vệ khi chạy thận tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần xem xét nhiều yếu tố
Ngay trong đêm xảy ra vụ việc nghiêm trọng này, các bệnh nhân đã được đưa cấp tốc về BV Bạch Mai để tiếp tục điều trị. Bên cạnh đó, các ngành chức năng từ Trung ương đến tỉnh Hòa Bình đã gấp rút vào cuộc, trắng đêm tìm cách khắc phục hậu quả cũng như truy tìm nguyên nhân của sự việc đau lòng này. Tính đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ cuộc họp báo của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, đã có 7/18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong do sốc phản vệ. Nguyên nhân của sốc phản vệ hiện đang được cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ sau khi tiến hành khởi tố vụ án ngay trong ngày 30-5. Có lẽ, đây sẽ là một trong những câu chuyện đáng buồn nhất của ngành y Việt Nam trong năm 2016.
Dư luận xã hội vẫn bàng hoàng và chưa thể tin dù tai đã nghe, mắt đã thấy. Ấy là bởi vụ việc sốc phản vệ lần đầu tiên trong nhiều năm qua xảy ra ở một BV có uy tín với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn giỏi. Bàng hoàng khi chia sẻ với báo giới về sự việc hi hữu này, bệnh nhân tên Trần Văn Quang (TP.Hòa Bình) kể: “Sáng 29/5, tôi cùng 17 bệnh nhân khác được chạy thận tại BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, được khoảng gần 1 tiếng thì xảy ra sự cố. Lúc đó tôi đang lơ mơ ngủ thiếp đi thì tự dưng thấy nóng ran người, nhức đầu, buồn nôn, buồn đi vệ sinh, rồi dậy cái là nôn luôn, người hết sức khó chịu, ngoảnh sang xung quanh thì thấy rất nhiều bệnh nhân khác cũng bị tương tự. Các bác sĩ vội vàng cho dừng tất cả các máy chạy thận và đi cấp cứu cho các người bệnh. Tôi đã chạy thận ở BV này 9 năm, thi thoảng tôi cũng bị một vài triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu trong lúc đang chạy máy, nhưng chưa bao giờ có cảm giác khác hẳn như lần này”.
Vụ việc xảy ra khiến nhiều người lo lắng. Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Cao Luận - nguyên Trưởng khoa Chạy thận nhân tạo (BV Bạch Mai) nhận định, nếu có trường hợp sốc phản vệ “chùm” như vậy thì phải xem xét nhiều yếu tố như hệ thống xử lý nước chạy thận, quả lọc… Đã có kinh nghiệm 40 năm trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo, vị bác sĩ này cho biết, ông cũng đã chứng kiến nhiều ca bệnh biến chứng trong quá trình chạy thận nhân tạo, cũng không ít ca tử vong. Tuy nhiên, trường hợp sốc phản vệ “chùm” như vậy thì rất hiếm gặp.
Tìm hiểu của PV được biết, quá trình chạy thận nhân tạo là khi máu được dẫn ra ngoài cơ thể bằng vòng tuần hoàn ngoài cơ thể để lọc. Do đó, bệnh nhân chạy thận nhân tạo thường gặp biến chứng và sốc phản vệ không ít. Các biến chứng thường gặp như tụt huyết áp, nôn và buồn nôn, nhức đầu, đau ngực, sốt ớn lạnh… Các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành cũng cho rằng, sốc phản vệ không chừa một ai. Đặc biệt với bệnh nhân chạy thận, hội chứng hiếm gặp nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân là hội chứng mất cân bằng. Khi đó bệnh nhân có thể nôn, buồn nôn, nhức đầu… và xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn như co giật, đờ đẫn, hôn mê.
Có những nguyên nhân liên quan đến quá trình lọc máu như hệ thống xử lý nước chạy thận, quả lọc… Cần phải xem xét xem hệ thống xử lý nước chạy thận có đảm bảo tinh khiết hay không? Việc rửa quả lọc có đảm bảo sạch chất khử khuẩn hay không? Nếu để xảy ra nhiều người bị sốc phản vệ như vậy thì phải xem xét đến quá trình truyền máu, thuốc chống đông, dịch thẩm tách có đảm bảo hay không? Tất cả các thuốc, hoá chất và dụng cụ y khoa đều có thể gây ra những phản ứng phụ tuỳ mức độ nặng nhẹ. Có một phản ứng phụ đáng sợ nhất và có thể đe doạ đến tính mạng người bệnh đó chính là sốc phản vệ.
Bản chất của sốc phản vệ là một phản ứng quá mức của cơ thể với các chất lạ đưa vào cơ thể theo hoặc không theo cơ chế miễn dịch. Phản ứng này sinh ra các chất hoá học và những chất này là thủ phạm gây ra tình trạng sốc phản vệ trên lâm sàng mà điển hình là tình trạng rối loạn tuần hoàn, hô hấp, phản ứng ngoài da với mức độ từ nhẹ cho đến nặng nề. Cụ thể như ngưng tim, ngưng thở, đe doạ tính mạng và có thể tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Mức độ nặng nhẹ lại phụ thuộc vào chính bản thân của người bệnh tương tác với thuốc chứ ít phụ thuộc vào liều thuốc đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, để biết chính xác nguyên nhân vụ việc xảy ra tại BVĐK Hòa Bình cần chờ kết luận từ phía bộ Y tế.
Cần sớm công bố nguyên nhân, trấn an dư luận
Theo GS. TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH, Viện trưởng viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Vị Viện trưởng nhìn nhận, sự cố y khoa vừa qua hết sức nghiêm trọng chưa từng xảy ra. Nguyên nhân có thể do sốc do nước, loại thuốc nào đó mà nhiều người cùng sử dụng khi chạy thận.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí đánh giá, đây là sự cố y khoa hết sức nghiêm trọng. Là người làm chuyên môn và có sự gắn bó với BVĐK tỉnh Hòa Bình, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã được các đồng nghiệp BV Hòa Bình gọi điện xin tư vấn về mặt chuyên môn. Qua đó, ông được nghe phản ánh và nhận thêm một số thông tin. “Tôi là một cán bộ y tế, tôi phải khẳng định rằng đây là một nỗi đau, là sự cố y khoa rất nghiêm trọng và rất đáng phải được rút kinh nghiệm. Trước tiên tôi xin được chia sẻ với nỗi mất mát của người dân, sự đau đớn của cán bộ y tế BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình”, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết.
Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến vụ việc đau lòng, vị ĐBQH của ngành y cho rằng, để kết luận chính thức cần có điều tra khảo sát kỹ lưỡng hơn vì nếu nói sớm quá có thể không đúng, thậm chí còn gây ra sự xáo trộn trong dư luận. “Nhưng tôi nghĩ khả năng bị sốc có thể là do nước, loại thuốc nào đó mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải là đơn lẻ”, ông nói.
Có thể thấy, trước sự cố đáng tiếc này, BVĐK tỉnh Hòa Bình, sở Y tế tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế rất quan tâm. Từ tối qua đã làm tất cả mọi việc để cứu sống những người còn lại trong số 18 người, kịp thời mời những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sốc phản vệ, chống độc tại trung tâm lớn nhất ở BV Bạch Mai có mặt để hỗ trợ, xử lý. Làm sao để hạn chế tối đa thiệt hại của tai biến y khoa này.
Bộ Y tế đã vào cuộc, PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh và đoàn cũng đã có mặt tại BV Hòa Bình. Phó thủ tướng phụ trách công tác y tế Vũ Đức Đam cũng đã lên Hòa Bình. Đây là cách xử lý vụ việc nóng hợp tình, hợp lý khiến dư luận xã hội rất đồng tình ủng hộ.
Cũng theo GS. TS. Nguyễn Anh Trí, đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam. Sốc phản vệ thì không ai nói trước được cả, thậm chí tiêm Vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong. Nhưng sự cố cả 18 người đều bị ảnh hưởng và tử vong 7 người là chưa từng xảy ra.
“Trước mắt cần tập trung cứu chữa những người còn lại để vượt qua cú sốc. Tiếp tục giải quyết các trường hợp khác bị suy thận cần chạy thận nhân tạo, sự chia sẻ của BV lân cận cũng như BV tuyến Trung ương. Còn một mặt nữa, tôi mong và biết Bộ y tế sẽ tiến hành rút kinh nghiệm phổ biến cho cả nước. Tôi cho rằng cơ sở đó nên tạm thời dừng hoạt động để vừa rút kinh nghiệm, vừa rà soát lại hoạt động, trang thiết bị, đường dẫn, nước, thuốc men từ đó có bằng chứng rút kinh nghiệm tốt hơn”, vị Viện trưởng nhấn mạnh.
Tìm hiểu của PV được biết, nhóm bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo càng ngày càng nhiều. Bộ Y tế cần vào cuộc để chia sẻ với các bệnh nhân chạy thận, các máy chạy thận ở khu vực Hà Nội hiện nay là rất nhiều hoàn toàn đủ khả năng đảm đương. Cả nước có rất nhiều cơ sở có máy và các trung tâm chạy thận nhân tạo, chúng ta có rất nhiều bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo.
Có thể nói sự cố y khoa là rất đau lòng, nhưng trong lúc hành nghề thì khó tránh. Bất cứ quốc gia nào cũng thế, vấn đề là làm sao cho sự cố y khoa ít nhất, thấp nhất, ít nghiêm trọng.
GS. TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: “Sự cố y khoa ở Hòa Bình là có thật, nhưng chúng ta không nên hoang mang, các cán bộ y tế càng không nên, không được phép hoang mang, bởi nếu như vậy sẽ không thể làm việc. Tôi cam đoan không có bác sĩ, nhóm bác sĩ nào trong quá trình hành nghề lại mong muốn bệnh nhân tử vong nên cần sớm phải công bố để rút kinh nghiệm, xử lý. Chắc chắn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, bộ Y tế sẽ sớm công bố nguyên nhân vụ việc đau lòng này”.
Nhật Minh – Thế Vinh / PLXH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại