Vụ “lọt” dao lên máy bay: Rà soát toàn bộ quy trình an ninh soi chiếu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh khách cầm dao gọt trái cây trên máy bay từ TP.HCM đi Hà Nội. (Ảnh: Mạng xã hội) |
Còn thiếu kiến thức đi lại trong hàng không
Ngày 19/7, đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết, vừa họp xử lý vụ để lọt con dao gọt trái cây lên máy bay gây xôn xao dư luận 2 ngày qua. Đây là sự việc được đánh giá nghiêm trọng. Hiện đơn vị đã tạm đình chỉ công tác đối với nam nhân viên an ninh soi chiếu.
“Sau khi họp, xem xét, kiểm tra hồ sơ, lịch kỳ bảo dưỡng của tất cả máy móc, kiểm tra quy trình tác nghiệp thì lỗi hoàn toàn thuộc về nam nhân viên an ninh soi chiếu. Qua hình ảnh ghi nhận, con dao được bỏ phía dưới hai chiếc điện thoại, trong hành lý xách tay. Việc này có thể là sự vô tình của hai cụ già lớn tuổi chưa nhiều kiến thức đi lại hàng không. Cùng với đó, trong một giây lơ đãng, mất tập trung của nam nhân viên đã để lọt vật nguy hiểm này. Đây là lỗi dây chuyền nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc trên”, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho hay.
Vị đại diện khẳng định, không có chuyện nhân viên soi chiếu làm việc quá tải. Đây là thời điểm chuyến bay đầu ngày, nhân viên mới nhận ca trực. Hiện sân bay đang rà soát toàn bộ quy trình an ninh soi chiếu để báo cáo Cục Hàng không.
Vị đại diện thông tin thêm, ngoài việc đình chỉ công tác của nam nhân viên, đơn vị cũng xem xét kỷ luật đối với ca trực làm nhiệm vụ. Trung tâm an ninh sân bay sẽ đề xuất xử lý, căn cứ vào quy chế, luật lao động...
Dư luận đặt câu hỏi, hành vi mang dao ra gọt hoa quả trên máy bay vi phạm thế nào quy định về an ninh, an toàn hàng không. Nếu có thì sẽ xử lý thế nào? Nhân viên an ninh để lọt dao vào khu vực hạn chế bị xử lý ra sao?
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, An ninh hàng không đặc biệt gắn liền và có mối liên kết chặt chẽ với an ninh quốc phòng, cũng như bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Do vậy, các quốc gia đều có những quy định nghiêm ngặt đối với an ninh hàng không nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối với hoạt động diễn ra tại sân bay.
Trong trường hợp trên, một người cao tuổi đang cầm dao gọt trái cây trên máy bay. Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 190 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, đây là hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng do đưa vật phẩm nguy hiểm vào tàu bay. Dao, kéo, các đồ vật sắc nhọn,… đều là những vật có khả năng gây nguy hiểm hoặc được dùng để gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, sự an toàn của chuyến bay.
Ngoài ra, Cục Hàng không đã có những quy định liên quan đến kích thước, cân nặng hành lý xách tay của hành khách cũng như các vật dụng được phép và cấm mang lên máy bay. Hành khách mang dao lên máy bay có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 7 triệu đến 10 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 162/2018/NĐ-CP.
Phân tích về trách nhiệm của nhân viên an ninh hàng không, luật sư Thái cho biết, để diễn ra trường hợp hành khách mang dao lên máy bay, không chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm hành chính đối với khách hàng mà còn cần phải làm rõ trách nhiệm của nhân viên an ninh sân bay, đặc biệt là bộ phận soi chiếu hành lý.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 162/2018/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu hành vi của nhân viên an ninh có dấu hiệu uy hiếp đến an ninh hàng không, mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên tới 10 triệu đồng. Đồng thời, nhân viên an ninh hàng không có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 1 tháng.
Theo luật sư Thái, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân viên an ninh kiểm tra hành lý của vị khách này đã thực hiện hết chức trách nhiệm vụ được giao hay chưa? Vì sao lại không phát hiện con dao khi người này đi qua cửa kiểm soát an ninh, đây mới là lỗi vi phạm lớn gây ra mất an ninh an toàn hàng không.
“Để hành khách mang những vật dụng bị cấm lên máy bay là có lỗi của nhân viên kiểm soát an ninh bởi để lên được máy bay thì hành khách phải đi qua rất nhiều thủ tục và qua cửa kiểm tra an ninh, với nhiều thiết bị kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Đặc biệt là với máy soi thì hoàn toàn có thể phát hiện ra những vật bằng kim loại mà hành khách mang theo”, luật sư Thái nêu ý kiến.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cán bộ kiểm soát an ninh có vi phạm dẫn đến bỏ lọt, không phát hiện dao nhọn trong hành lý của hành khách, không phát hiện khiến hành khách sử dụng dao nhọn trên chuyến bay làm nhiều người lo sợ thì cần phải xem xét xử lý kỷ luật cán bộ này và có thể xử phạt vi phạm hành chính. Nếu trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì cán bộ này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, hình ảnh lan truyền cho thấy một nữ hành khách cao tuổi đang cầm dao gọt trái cây, kích thước khoảng 10cm, ngay trên máy bay. Tiếp viên hàng không sau đó đã nhắc nhở và tạm giữ con dao này. Vụ việc được xác định trên chuyến bay của Vietnam Airlines khởi hành từ TP HCM - Hà Nội sáng 18/7. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại