Vụ lao ô tô đâm CSGT: Lái xe có bị khởi tố về tội giết người?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh chiếc ô tô húc hai chiến sỹ CSGT ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam xảy ra vào đêm 15/12 (Ảnh cắt từ clip) |
Tài xế lái ô tô lao thẳng vào tổ CSGT
Ngày 16/12, Công an thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với lái xe Phạm Đình Huân, SN 2003, trú ở thôn Bái Đô, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên, Hà Nội về hành vi điều khiển xe ô tô đâm vào lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ.
Trước đó, khoảng 20h, ngày 15/12, Tổ công tác thuộc Đội CSGT - Trật tự, Công an thị xã Duy Tiên làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển phương tiện giao thông, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và công nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu mà trong cơ thể có chất ma tuy, vi phạm nồng độ cồn” trên đường Dương Văn Nội - Khu đô thị Đồng Văn, thuộc địa phận tổ dân phố Nguyễn Hữu Tiến, phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên phát hiện xe ôtô 5 chỗ màu đen đang di chuyển về phía chốt kiểm tra.
Tổ công tác đã ra tín hiệu dừng xe tại vị trí và tiến hành kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, người điều khiển xe ôtô không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, tiếp tục tăng tốc vượt qua vị trí kiểm soát, sau đó đánh lái đâm trực diện vào đồng chí Nguyễn Duy Chinh và đồng chí Nguyễn Văn Hải làm 2 đồng chí CSGT bị thương rồi bỏ chạy.
Chân dung lái xe Phạm Đình Huân, người điều khiển xe ô tô tông vào hai chiến sỹ CSGT (Ảnh: CQCA cung cấp) |
Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công an thị xã Duy Tiên đã chỉ đạo các lực lượng đưa đồng chí Nguyễn Duy Chinh và đồng chí Nguyễn Văn Hải đến BVĐK Hà Nội - Đồng Văn điều trị và tổ chức truy tìm người điều khiển và phương tiện vi phạm.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau hơn 5 giờ, CQCA đã điều tra làm rõ Phạm Đình Huân là người điều khiển xe ôtô nhãn hiệu HONDA HR-V RS mang biển kiểm soát 30K-460.84 gây ra vụ việc. Tại CQCA, bước đầu Huân đã khai nhận về hành vi vi phạm.
Hiện CQCA tiếp tục điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cần làm rõ nhận thức của tài xế để định tội danh
Theo dõi vụ việc trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với những gì diễn ra qua clip cho thấy hành vi của người lái xe ô tô trong tình huống này là nguy hiểm cho xã hội, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ. Hành vi của đối tượng Phạm Đình Huân là rất liều lĩnh, làm một chiến sĩ CSGT bị thương. Hành vi này đã đủ dấu hiệu cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ”, theo Điều 330, BLHS năm 2015.
Cụ thể, Điều 330, Bộ luật này quy định như sau: người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác; cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm...
Cũng theo luật sư Thái, hành vi trên còn có thể bị áp dụng đối với tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 134, BLHS năm 2015. Dấu hiệu của tội phạm này được quy định như sau: hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi trái pháp luật, tác động đến thân thể của người khác; hậu quả gây ra bởi hành vi là nguy hiểm cho xã hội, để lại thương tích cho nạn nhân gây suy giảm sức khỏe cho họ được thể hiện ở tỷ lệ thương tật (tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân; đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên hậu quả là dấu hiệu chính của định tội.
Hậu quả xảy ra gây thiệt hại về sức khỏe của người bị xâm hại, làm cho nạn nhân bị tổn hại cơ thể với mức tổn thương là từ 11% trở lên hoặc dưới 11 % nhưng thỏa mãn một trong các tình tiết quy định từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134, BLHS năm 2015.
Theo luật sư Thái, trong trường hợp kết quả xác minh, điều tra cho thấy, đối tượng Phạm Đình Huân nhận thức được rằng hành vi của mình có thể gây ra thương tích, thậm chí thiệt mạng cho người tuần tra, kiểm soát giao thông nhưng vẫn cố ý lao xe vào tổ tuần tra đang thực hiện nhiệm vụ, bỏ mặc hậu quả thương tích, thậm chí thiệt mạng có thể xảy ra thì đây là lỗi cố ý gián tiếp đối với hậu quả chết người có thể xảy ra.
“Nếu kết luận của CQĐT có đủ căn cứ xác minh hành vi của lái xe cấu thành tội “Giết người” thì có thể tài xế Phạm Đình Huân sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm" - luật sư Thái nêu quan điểm.
Trường hợp, đối tượng lao xe vào tổ công tác là do luống cuống, không làm chủ tốc độ khiến hậu quả người thi hành công vụ bị thương tích. Trong trường hợp này người điều khiển phương tiện không cố ý lao xe vào tổ công tác thì chỉ là lỗi vô ý đối với hậu quả, sẽ không bị xử lý về tội “Giết người” nhưng có thể xem xét về hành vi vô ý gây thương tích.
"Bởi vậy, trong vụ việc này vấn đề nhận thức của người điều khiển phương tiện là rất quan trọng, người này có chủ đích đâm xe vào tổ công tác để bỏ chạy hay không sẽ quyết định đến việc xử lý về tội “Giết người” hay tội danh khác" - luật sư Thái nói.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” hoặc tội “Giết người” hoặc tội “Cố ý gây thương tích” hay tội khác thì đối tượng Phạm Đình Huân buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần đối với nạn nhân.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại