Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên khai về 42 tỷ hối lộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên tại phiên xét xử |
Theo cáo trạng, Phạm Trung Kiên với vai trò là Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiệm vụ tiếp nhận, trình thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng/khách lẻ.
Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 02/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền 42.689.559.000 đồng (42.064.500.000 đồng và 27.000 USD).
Sau khi vụ án được khởi tố, Phạm Trung Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các cá nhân đại diện các doanh nghiệp, tổng số 12.241.000.000 đồng và đã được nộp lại Cơ quan ANĐT Bộ Công an.
Trả lời HĐXX, bị cáo Phạm Trung Kiên khai công tác tại Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, được phân công làm thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12/2019 đến tháng 2/2022. Nhiệm vụ của bị cáo là tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng chuyển đến rồi trình Thứ trưởng xét duyệt.
Sau khi Thứ trưởng được phân công tham gia Tổ công tác 5 Bộ, giữa tháng 7/2021, bắt đầu có doanh nghiệp tiếp xúc nhờ bị cáo hỗ trợ để Bộ Y tế có công văn đồng ý theo đề nghị của Bộ Ngoại giao thực hiện chuyến bay.
Bị cáo Kiên cho biết, với vai trò trợ lý nên khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, đã trình lên Thứ trưởng. Bởi Thứ trưởng có chỉ đạo, nếu phát hiện om hồ sơ sẽ cho nghỉ việc. Vì thế, bị cáo đã làm theo đúng trình tự và nhanh.
Ông Kiên cũng xác nhận có nhận tiền theo nội dung của cáo buộc nhưng khẳng định không yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền, không ra giá chuyến bay; mức chi, hình thức chi đều do doanh nghiệp chủ động đề xuất.
Liên quan đến lời khai của các doanh nghiệp về việc bị cáo Kiên quát tháo trong phòng làm việc, bị cáo Kiên phủ nhận việc quát tháo là không đúng. Và cho biết doanh nghiệp chủ động gọi điện, nhờ giúp đỡ.
“Nhiều doanh nghiệp đến gặp bị cáo sau khi đã được Bộ Y tế cấp phép mà không gặp một trở ngại nào", bị cáo Kiên trình bày.
Ngay sau đó, chủ toạ cho các bị cáo khác gồm: Lê Hồng Sơn, Đào Minh Dương, Vũ Minh Thắng lên trước bục khai báo để đối chất. Những bị cáo này tiếp tục khẳng định có việc ra giá. Trong đó, bị cáo Dương khai, có chứng kiến việc Kiên quát bị cáo Sơn tại trụ sở.
Tuy nhiên, trước những lời khai buộc tội, bị cáo Kiên tiếp tục khẳng định các lời khai này đều không đúng sự thật.
Trả lời về số tiền nhận hối lộ, bị cáo Kiên cho biết, liên quan đến chuyến bay combo nhận 27 tỉ đồng, khách lẻ về nước là 15 tỉ đồng. Sau khi có tiền, Kiên đã cho người thân vay, đầu tư vào đất đai… Bị cáo Kiên cũng khẳng định trước tòa, bị cáo không đưa tiền cho ai khác.
Đến nay, bị cáo Kiên đã trả lại 12 tỉ đồng và tác động đến gia đình nộp thêm 15 tỉ đồng. Số tiền khắc phục khoảng 27 tỉ đồng, bị cáo nói đã nhờ luật sư nhắn gia đình để triệt để khắc phục số tiền trong thời gian xét xử phiên tòa.
Vụ "chuyến bay giải cứu": Các bị cáo khối doanh nghiệp khai gì? | |
Xét xử vụ "chuyến bay giải cứu": Các bị cáo thừa nhận, đã nhận hối lộ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại