Thứ ba 26/11/2024 14:24

Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên ám ảnh vì mức án tử hình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trả lời tại tòa, cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên cho biết, sau khi nhận thức được hành vi và biết mức án cao nhất là tử hình, bị cáo rất ám ảnh. “Bị cáo chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực” - bị cáo Kiên nói.
Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên ám ảnh vì mức án tử hình
Cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên.

Ngày 14/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 54 bị cáo trong vụ án ''chuyến bay giải cứu". Cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên được xác định là người nhận hối lộ nhiều nhất, hơn 42 tỷ đồng, số lần nhận tiền cũng nhiều nhất 253 lần.

Phạm Trung Kiên là Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, có nhiệm vụ tiếp nhận, trình Thứ trưởng duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/khách đối với chuyến bay combo và từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng/khách lẻ.

Quá trình giải quyết cấp phép các chuyến bay, từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021, Phạm Trung Kiên đã nhận hối lộ 253 lần của 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ khác, với tổng số tiền 42.689.559.000 đồng (42.064.500.000 đồng và 27.000 USD).

Tại tòa, khi luật sư đề cập hồ sơ vụ án, có hồ sơ bệnh án chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần cấp đa dạng không có triệu chứng tâm thần phân liệt sau nhiễm Covid-19, bị cáo Kiên cho biết, bị cáo đã từng bị ám ảnh bởi án tử hình và chỉ muốn chết.

Theo đó, bị cáo Kiên cho biết, bị cáo bị Covid-19 vào ngày 24/1, diễn biến rất nặng, phải cấp cứu trong Đại học Y Hà Nội một thời gian. Sau ra viện, cộng thêm thông tin về CQĐT khởi tố vụ án nên tâm lý chịu sức ép rất nặng.

Sau khi xuất viện, bị cáo thường xuyên phải làm việc với CQĐT. Qua tìm hiểu quy định pháp luật, liên quan tội nhận hối lộ rất là nặng, từ 20 năm, chung thân đến tử hình.

Cũng tại tòa, bị cáo Kiên cho biết mình bị ám ảnh vì mức án tử hình… “Bị cáo chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Do vậy, bị cáo có một thời gian điều trị trong bệnh viện tâm thần.” - bị cáo Kiên nói.

Trước đó, chiều 13/7, trả lời xét hỏi VKS, bị cáo Kiên cho biết các doanh nghiệp đưa tiền cho Kiên có vài trường hợp có quen biết trước, còn lại chủ yếu là khi có phát sinh công việc liên quan đến tổ chức các "chuyến bay giải cứu" thì doanh nghiệp mới liên hệ để nhờ hỗ trợ, giúp đỡ.

Bị cáo Kiên cũng xác nhận mình nhận tiền của các doanh nghiệp liên quan đến chuyến bay combo, "chuyến bay giải cứu" hoặc liên quan đến số khách lẻ.

"Đối với chuyến bay combo, đúng như nội dung cáo trạng truy tố, bị cáo chỉ tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng và trình lãnh đạo bộ ký duyệt. Sau khi lãnh đạo bộ xét duyệt xong, bị cáo trả hồ sơ để Văn phòng Bộ Y tế phát hành, hoặc chuyển cho Cục Y tế dự phòng sửa chữa", bị cáo Kiên trình bày.

Trả lời VKS về việc Kiên chỉ nhận hồ sơ từ lãnh đạo bộ cho tới Cục Y tế dự phòng để đưa cho văn thư phát hành, việc gì doanh nghiệp phải đến với bị cáo thì ông Kiên trình bày, có lẽ các doanh nghiệp tin rằng Kiên có thể giúp được, hỗ trợ được các doanh nghiệp xử lý công việc một cách nhanh hơn nên các doanh nghiệp đến gặp.

Trình bày việc VKS hỏi số tiền nhận được của doanh nghiệp có nói cho ai biết không bị cáo Kiên vẫn khẳng định mình không nói cho ai biết.

"Bị cáo nhận được tiền đem về nhà, vợ chỉ biết cầm cất đi chứ không biết tiền gì", bị cáo Kiên phân trần. Kiên cũng khai các doanh nghiệp chuyển tiền vào tài khoản của mẹ vợ mình.

"Toàn bộ số tiền này giao dịch trên tài khoản, bị cáo không rút tiền mặt, tổng số nhận của các doanh nghiệp 42 tỷ đồng. Khi vụ án xảy ra, bị cáo đã trả lại cho một số người 12 tỷ đồng, bị cáo dùng 2 tỷ đồng cho mục đích cá nhân, cho một người chú ở Thái Bình vay 10 tỷ đồng, còn lại mua đất đai và sửa chữa nhà cửa.

Có 2 mảnh đất ở Ba Vì và Hoài Đức bị cáo đã bán để khắc phục hậu quả, còn mảnh đất ở Mũi Né chung tên với người bạn do bị cáo bị bắt nên chưa giao dịch được", bị cáo Kiên khai về việc sử dụng số tiền nhận hối lộ liên quan chuyến bay giải cứu.

Vụ “chuyến bay giải cứu”: Trong cặp trên xe của cựu Trưởng Phòng 5 có gì? Vụ “chuyến bay giải cứu”: Trong cặp trên xe của cựu Trưởng Phòng 5 có gì?
Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự thừa nhận hành vi nhận hối lộ Vụ “chuyến bay giải cứu”: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự thừa nhận hành vi nhận hối lộ
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động