Thứ sáu 22/11/2024 00:04

Vốn đầu tư công Hà Nội được điều chỉnh tập trung, không dàn trải

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân; đồng thời cho rằng, Hà Nội có thể điều chỉnh các dự án ODA theo thẩm quyền.

Trong khuôn khổ làm việc với UBND TP Hà Nội ngày 20-4, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã kiểm tra 2 công trình đầu tư công đang chậm tiến độ. Đó là Dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long; Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội”.

Qua thực địa tại Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-Cầu Thăng Long của Phó Thủ tướng cho thấy, hiện đã GPMB 442/877 hộ gia đình; 51/57 tổ chức; 14/14 ngôi mộ. TP đã bàn giao mặt bằng để triển khai thi công 3.350/5.500m bên phải tuyến; 4.200/5.500m bên trái tuyến; bàn giao mặt bằng 800m cho BQL Dự án Thăng Long để triển khai thi công cầu cạn đoạn tuyến trước Công viên Hòa Bình. Dự án chậm tiến độ chủ yếu vướng mắc khâu GPMB, dự kiến thi công các hạng mục còn lại hoàn thành trong năm 2018…

von dau tu cong ha noi duoc dieu chinh tap trung khong dan trai

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, năm 2018, Hà Nội phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công.

ảnh: T.T

Đối với Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội”, đến nay đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng 8/9 gói thầu, hiện còn gói thầu số 9 đang hoàn thiện các thủ tục để phát hành trong quý 2-2018. Về triển khai thi công, tiến độ thực hiện dự án chậm trễ kéo dài do gặp phải nhiều vướng mắc khó khăn… UBND TP đang trình Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ của dự án, Hà Nội kiến nghị Bộ KH&ĐT và các Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh danh mục tài trợ dự án; đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho dự án.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Hà Nội được HĐND TP thông qua là 104.723,46 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mức vốn bố trí cho 1 dự án ở Thủ đô là 177,1 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011-2015, tập trung vào các lĩnh vực: Giao thông, Giáo dục, Y tế, Thủy lợi …

Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, sẽ có 391/397 dự án XDCB tập trung cấp TP hoàn thành đưa vào sử dụng. Các Bộ, ngành đều đánh giá Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương bố trí vốn tập trung, không dàn trải, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Tính đến trước năm 2018, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của TP Hà Nội đã triển khai thực hiện được 2 năm: 2016 đạt 114,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao; 2017 đạt 96,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao…

Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 17 và các điều khoản liên quan của Luật Đầu tư công để bổ sung quy định về quy trình, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công các điều khoản áp dụng đặc thù liên quan đến vấn đề “đánh giá sơ bộ về môi trường” và “phương án tổng thể về đền bù GPMB” thay thế cho các điều khoản có liên quan tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.

Đặc biệt, Hà Nội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đầu tư đối với các nhóm dự án đặc thù sử dụng nguồn vốn Quỹ phát triển đất thực hiện để ứng vốn đầu tư thực hiện các dự án. Trường hợp phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công thì đề nghị đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công theo hướng đơn giản các trình tự, thủ tục.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, năm 2018, Hà Nội phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân đầu tư công. Về vướng mắc GPMB, Hà Nội đã phân cấp cho Chủ tịch UBND các quận, huyện. Với các dự án trọng điểm, Hà Nội đã và sẽ ứng tiền GPMB trước, đấu thầu xong có ngay mặt bằng để thi công. Hà Nội cũng đã nâng trần đền bù cho người dân để thúc đẩy tiến độ GPMB. Đối với các dự án cần nhà tái định cư, TP cũng đã bố trí đủ nhà tái định cư…

Chủ tịch UBND TP đã đề xuất Chính phủ cơ chế để Hà Nội đầu tư các 3 tuyến metro từ nguồn tiền của TP cũng như điều chỉnh tăng trần nợ công của Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan đến vốn ODA…

Sau khi lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của UBND TP Hà Nội, Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ giao các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tiếp thu, ghi nhận, sớm báo cáo Chính phủ xem xét. Đồng thời, Phó Thủ tướng cho rằng, lý do chậm giải ngân đầu tư công hiện nay có tình trạng sợ làm sai. Phó Thủ tướng yêu cầu phải làm đúng và làm nhanh, ai không quyết đoán thì cần thay thế. Từ đó, cần chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ, quyết liệt với công việc; tăng cường kỷ luật kỷ cương… Tin tưởng Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân và tán thành các giải pháp của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Hà Nội có thể điều chỉnh các dự án ODA theo thẩm quyền; đánh giá, sơ kết việc đầu tư công trung hạn…

Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động