Vở diễn "Chén thuốc độc" sẽ có nhiều điểm mới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVở kịch nói “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long (1896-1960) sẽ được khởi công dàn dựng mới do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với các Nhà hát nghệ thuật tổ chức.
Từng được công diễn lần đầu tiên vào ngày 22-10-1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với dấu ấn trong chiều dài lịch sử, vở kịch nói “Chén thuốc độc” được lựa chọn diễn trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921- 2021).
Đây là vở kịch đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch nói Việt Nam, vở kịch mang dấu ấn hiện đại hóa rất rõ nét.
Theo NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, vở kịch nói “Chén thuốc độc” được dựng mới với ý nghĩa các nghệ sĩ cùng nhau ôn lại lịch sử của nghệ thuật sân khấu kịch nói và thể hiện sự nối tiếp thế hệ, mang những thành tựu của thế hệ đi trước đến hiện đại.
Lần trở lại với khán giả sau 100 năm ra đời, vở kịch “Chén thuốc độc” hứa hẹn quy tụ dàn nghệ sĩ kịch nói “khủng” nhất từ trước đến nay.
Các nghệ sĩ tham gia lễ khởi công vở diễn "Chén thuốc độc" nhân kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921- 2021). |
Các thế hệ nghệ sĩ tên tuổi kể tới như: NSND Lê Khanh, NSND Trung Hiếu, NSND Việt Thắng, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Mai Nguyên, NSƯT Hoài Thu, Vân Dung, Quang Thắng, Anh Thơ, Tùng Linh, Thu Hà, Hồng Phúc...
Cùng sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, sinh viên lớp Diễn viên tài năng K39, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Vở kịch nói đặc biệt do NSƯT Bùi Như Lai làm đạo diễn, Đỗ Trí Hùng biên tập, họa sĩ Hoàng Phong thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ Giáng Son sáng tác ca khúc, nghệ sĩ Lê Phương biên đạo múa.
Nội dung vở kịch “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long khắc học câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa. Trước cám dỗ của xã hội thành thị thực dân, các thành viên trong gia đình thầy Thông Thu đều xoáy sâu vào những “tệ nạn xã hội” đương thời.
Mẹ và vợ thì nhiễm thói đồng bóng, chỉ ham mê buôn thần bán thánh, chăm lo lễ lạt, chầu ngự; em thì hư hỏng, chửa hoang; bản thân thầy Thông Thư thì đam mê hát xướng, thường xuyên lui tới “xóm Bình Khang”, lại thêm bọn du đãng bợ đỡ, nịnh hót, dắt díu vào các cuộc chơi bời...
Nền nếp gia đình đảo lộn, nợ nần chồng chất, trước cơn bĩ cực thầy Thông Thu tìm cách giải thoát bằng “Chén thuốc độc”. Kết cục bi đát sắp diễn ra thì may sao, có người mang thư và giấy mời nhận tiền đến. Đó là món quà của người em lưu lạc sang Lào đã biệt tích từ lâu, nay khá giả gửi tiền về biếu mẹ và anh. Có được món tiền, thầy Thông Thu qua được cái chết, trả được nợ, cứu vãn được gia đình và từ đó tu tỉnh bản thân.
Vở kịch không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà thông qua đó còn phê phán, cảnh tỉnh lối sống Âu hóa, ăn chơi hưởng lạc, lãng quên trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội..
Đạo diễn Bùi Như Lai chia sẻ về ý tưởng dàn dựng vở kịch nói "Chén thuốc độc" |
Chia sẻ về ý tưởng dàn dựng, đạo diễn Bùi Như Lai cho biết sẽ thể hiện vấn đề hiện đại hóa trong kịch bản. Trước nay, vở diễn mang đặc trưng của thể loại, vở kịch đã phản ánh hiện thực xã hội đương thời một cách sâu sắc và chân thực qua nghệ thuật kịch ảnh hưởng phương Tây.
Vấn đề hiện đại hóa đã được thể hiện qua thể loại, nội dung và hình thức, mở đường cho sự phát triển của loại hình kịch nói hiện đại sau này.
Qua tác phẩm “Chén thuốc độc”, tác giả Vũ Đình Long là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự ra đời của sân khấu kịch nói và góp phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học phát triển song song với hiện đại hóa xã hội.
Với vai trò đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai bày tỏ áp lực khi dàn dựng vở kịch “vượt qua cái bóng” và nhất là thời điểm dựng vở trong tình hình dịch bệnh khó khăn đủ bề.
Tuy nhiên, với sự kỳ vọng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSƯT Bùi Như Lai tự tin với phong cách dàn dựng đặc trưng của mình sẽ không làm khán giả thất vọng.
Tham gia lễ khởi công vở diễn “Chén thuốc độc”, NSƯT Xuân Bắc và NSND Tự Long đã ủng hộ 20 triệu đồng để dựng vở kịch này. Dù không được phân vai nhưng NSƯT Xuân Bắc bày tỏ nguyện vọng được tham gia vở diễn lịch sử này dù chỉ là vài giây trên sân khấu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại