Kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMột phân đoạn trong vở kịch "Chén thuốc độc" |
Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói (1921-2021) do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 21 đến 27-10 tại Nhà hát Lớn.
Đến dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; đại diện các bộ, ngành và các nghệ sĩ sân khấu nước nhà.
Một thế kỷ qua, sân khấu kịch nói đã tiếp thu tinh hoa sân khấu thế giới, phát huy sự sáng tạo, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển nền sân khấu cách mạng Việt Nam những thành tựu to lớn, góp phần thắp sáng chủ nghĩa anh hùng và lòng yêu nước. Các thế hệ nghệ sĩ tài năng của sân khấu kịch nói đã lao động sáng tạo miệt mài, tạo nên hàng nghìn tác phẩm phản ánh những vấn đề nóng bỏng của xã hội, phục vụ và tác động tích cực đến đời sống nhân dân.
NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh tuần lễ kỷ niệm là dịp để giới nghệ sĩ sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng cùng ôn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của kịch nói nước nhà, đồng thời khẳng định với thế hệ đi trước rằng, thế hệ hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để chăm lo, thúc đẩy nền kịch nói Việt Nam phát triển hơn nữa.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những nỗ lực sáng tạo của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu kịch nói đã luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, sáng tạo không ngừng để có nhiều tác phẩm, vở diễn xứng đáng là thể loại sân khấu sắc bén, nhanh nhạy nhất, đồng thời giàu bản sắc dân tộc, đóng góp vào thành tựu chung của nền sân khấu và văn học, nghệ thuật nước nhà.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, trong xu thế hiện nay, do yêu cầu đổi mới và phát triển của nghệ thuật kịch nói, đòi hỏi ngày càng nghiêm túc và khắt khe của khán giả, các nghệ sĩ phải nỗ lực sáng tạo thêm những tác phẩm kịch nói có ý nghĩa về nội dung, có giá trị về nghệ thuật, kịp thời phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, mang tầm vóc quốc gia và sánh vai cùng đồng nghiệp quốc tế.
Tại lễ kỷ niệm, các nghệ sĩ đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc với nghề. Nghệ sĩ Doãn Châu chia sẻ ông nhớ mãi về những lần đi xem kịch cùng bố mẹ đã giúp tình yêu sân khấu nảy nở trong ông. Khi ông 10 tuổi, có lần ông cùng bạn thân là cố nghệ sĩ Văn Hiệp đã "đánh liều" leo qua ống máng để vào Nhà hát xem trộm một vở kịch vì không có tiền mua vé. Cũng vì quá say sân khấu mà hai "ông bạn" đã cùng đăng ký tham gia đội kịch thiếu niên của thành phố và bắt đầu hành trình nghệ thuật của mình.
Khó khăn, gian khổ không làm cho các nghệ sĩ nhụt chí, mà càng tôi luyện sự kiên trì, bề bỉ và tình yêu nghề của họ, giúp họ không ngừng phấn đấu vươn lên, trở thành những nghệ sĩ tài năng, được khán giả yêu mến.
Dịp này, Hội công diễn vở "Chén thuốc độc" của cố tác giả Vũ Đình Long, đạo diễn Bùi Như Lai. Tác phẩm ra mắt lần đầu ngày 21-10-1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khởi đầu cho sân khấu kịch nói Việt Nam. Điều đặc biệt là tác phẩm có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Quân đội,...như: NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Vân Dung, NSƯT Quang Thắng, NSƯT Mai Nguyên,...
Nội dung vở kịch “Chén thuốc độc” khắc học câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu - một gia đình tư sản Âu hóa. Trước cám dỗ của xã hội thành thị thực dân, các thành viên trong gia đình thầy Thông Thu đều xoáy sâu vào những “tệ nạn xã hội” đương thời.
Mẹ và vợ thì nhiễm thói đồng bóng, chỉ ham mê buôn thần bán thánh, chăm lo lễ lạt, chầu ngự; em thì hư hỏng, chửa hoang; bản thân thầy Thông Thư thì đam mê hát xướng, thường xuyên lui tới “xóm Bình Khang”, lại thêm bọn du đãng bợ đỡ, nịnh hót, dắt díu vào các cuộc chơi bời...
Nền nếp gia đình đảo lộn, nợ nần chồng chất, trước cơn bĩ cực thầy Thông Thu tìm cách giải thoát bằng “Chén thuốc độc”. Kết cục bi đát sắp diễn ra thì may sao, có người mang thư và giấy mời nhận tiền đến. Đó là món quà của người em lưu lạc sang Lào đã biệt tích từ lâu, nay khá giả gửi tiền về biếu mẹ và anh. Có được món tiền, thầy Thông Thu qua được cái chết, trả được nợ, cứu vãn được gia đình và từ đó tu tỉnh bản thân.
Vở kịch không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà thông qua đó còn phê phán, cảnh tỉnh lối sống Âu hóa, ăn chơi hưởng lạc, lãng quên trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội..
Ngoài ra, tuần lễ còn diễn các vở: "Người tốt nhà số 5" (tác giả Lưu Quang Vũ; đạo diễn Tạ Minh Tuấn) - Nhà hát Kịch Việt Nam; "Ai là thủ phạm" (tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Chí Trung) - Nhà hát Tuổi trẻ; "Bạch đàn liễu" (tác giả Xuân Trình, đạo diễn Trần Lực) - sân khấu Lucteam; "Phải có ba đồng" (tác giả Bùi Vũ Minh, đạo diễn Lê Hùng) - Nhà hát Kịch Hà Nội.
Sự kiện cũng tổ chức hội thảo "100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam - Những vấn đề đặt ra, định hướng và phát triển", gala Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại