Thứ ba 23/04/2024 15:37

Vĩnh Phúc: “Siết” trách nhiệm thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND Kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2023. Kế hoạch nhằm mục tiêu tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch với các cơ quan chức năng giải quyết công việc.
Vĩnh Phúc: “Siết” trách nhiệm thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức
UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ triển khai kế hoạch kiểm tra việc thực thi công vụ đối với cán bộ công chức trên địa bàn.

Tiến hành kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ

Theo Kế hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành ký ban hành, việc Kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai, thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án văn hóa công vụ; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc;…

Trước đó, Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều văn bản ban hành nhằm “siết” việc thực thi trách nhiệm công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Cụ thể, Quyết định số 69/2021/QĐ-UBND ngày 29/12/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy chế công vụ tại các cơ quan trên địa bàn; Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 14/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện văn hóa công vụ trên địa bàn; Quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao văn hóa công vụ giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hoạt động kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ đối với người đứng đầu và cán bộ, công chức viên chức được triển khai thực hiện nhằm nhiều mục tiêu.

Thứ nhất: Phát hiện những tồn tại, hạn chế trọng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, phát hiện những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, xử lý.

Thứ hai: Kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, bảo đảm các chỉ đạo được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đúng quy định của pháp luật, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc thực thi nhiệm vụ công vụ và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ ba: Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao văn hóa công sở, đạo đức công vụ.

Thứ tư: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, văn hóa công sở, giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật, phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của UBND tỉnh.

Truy trách nhiệm người đứng đầu, xử lý, ngăn chặn phiền hà nhũng nhiễu

Nội dung kiểm tra được Kế hoạch nêu rõ, tập trung kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, thời giờ làm việc, tuân thủ nội quy, quy chế cơ quan. Đặc biệt là việc chấp hành Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, cũng như Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 5/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn…

Cụ thể, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, việc tổ chức triển khai nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao đối với Thủ trưởng, cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kiểm tra, xử lý ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 10/CT-TTg đối với trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, liên thông.

Kiểm tra trách nhiệm của tập thể, cá nhân (đặc biệt là cấp cơ sở) trong việc thực thi nhiệm vụ ở các lĩnh vực được xã hội quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân như: Cấp phép xây dựng; cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết đơn thư của công dân.

Đối tượng kiểm tra bao gồm: Các sở, ban, ngành các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, TP và các xã phường, thị trấn; cán bộ công chức, viên chức công tác công tác tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Thời gian kiểm tra từ quý 1 đến quý 4 năm 2023.

Kiểm tra đột xuất bất ngờ, hoặc thông báo trước

Phương pháp kiểm tra được Đoàn kiểm tra triển khai theo hình thức có thể là đột xuất bất ngờ, không thông báo trước, hoặc có thể áp dụng việc thông báo trước để cơ quan đơn vị nắm trước nội dung, thời gian, địa điểm.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thu thập xác minh thông tin, tài liệu, áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra. Nghiên cứu, phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu đã thu thập được, tiến hành kiểm tra, xác minh. Lập biên bản làm việc về các nội dung kiểm tra với các cơ quan, đơn vị, địa phương để có cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra và kiến nghị xử lý theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cũng giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực Đoàn Kiểm tra công vụ, phối hợp với các cơ quan có liên quan dự thảo quyết định thành lập Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ để tiến hành kiểm tra công vụ. Thành phần Đoàn Kiểm tra gồm: Trưởng đoàn là Giám đốc Sở Nội vụ; các Phó trưởng đoàn là Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, và các thành viên là công chức thuộc Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp.

Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Trưởng Đoàn Kiểm tra căn cứ nội dung chuyên đề kiểm tra và điều kiện cụ thể để mời công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham gia Đoàn Kiểm tra, các cơ quan thông tấn báo chí tham gia đưa tin về hoạt động của Đoàn Kiểm tra.

Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua dư luận một số địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến vấn đề cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người dân. Có những ý kiến phản ảnh về hiện tượng hạch sách, nhũng nhiễu vòi vĩnh trong giải quyết thủ tục hành chính. Do vậy, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch Kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2023 trên địa bàn là đúng đắn, cần thiết, nhằm phát hiện sai phạm, chấn chỉnh, xử lý nghiêm theo quy định, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

TP Vĩnh Yên thực hiện các giải pháp nâng cao văn hóa công vụ
Kiến nghị có chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái pháp luật
Thực hiện công tác thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ chuyên môn
Kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính
Sỹ Hào
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động