Vĩnh Phúc: hiệu quả mô hình nuôi cá thâm canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênMô hình nuôi cá thâm cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Lương Giang. |
Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành thủy sản
Năm 2024, Trung tâm Giống nông nghiệp tiếp tục được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ thực hiện xây dựng mô hình nuôi cá thâm cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2020-2025. Việc triển khai các Chương trình hỗ trợ được đánh giá là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành thủy sản tỉnh nhà có những bước đi vững chắc.
Để thực hiện hiệu quả mô hình, Trung tâm Giống nông nghiệp đã tổ chức khảo sát, kiểm tra điều kiện thực tế tại các hộ đăng ký trên địa bàn tỉnh. Sau khi khảo sát đã lựa chọn được 3 hộ tại xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường; thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên; thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc tham gia mô hình. Quy mô triển khai là 2 ha/mô hình. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí mua giống, thức ăn, thiết bị máy móc và 100% chi phí tập huấn.
Ông Phạm Văn Đức, tổ dân phố Lâm Xuyên, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, một trong các hộ tham gia cho biết, gia đình rất phấn khởi khi được tham gia mô hình: sau khi tiếp nhận cá trắm và chép giống, được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật nuôi, gia đình ông đã chủ động áp dụng quy trình nuôi cá thâm canh, đồng thời ghi chép đầy đủ nhật ký chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị bệnh… cho đàn cá. Đàn cá giống được cấp có chất lượng tốt, cá hiện tại sinh trưởng và phát triển tốt, các loại vật tư đưa vào sử dụng chất lượng cao.
Mô hình thủy sản thâm canh của hộ gia đình ông Phạm Văn Đức, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc. Ảnh: Lương Giang. |
Mở ra hướng phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân
Ông Trần Văn Tuấn, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường cho biết, trước đây gia đình ông nuôi cá theo phương pháp quảng canh, sản lượng và thu nhập rất thấp. Sau khi được lựa chọn tham gia mô hình, được hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng và được hỗ trợ giống, vật tư, gia đình ông Tuấn đã mạnh dạn đầu tư, phát triển mô hình thâm canh. Đặc biệt khi tham gia mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ góp phần mở ra nhiều cơ hội về đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho gia đình.
Từ năm 2021-2024, Trung tâm Giống nông nghiệp đã triển khai 12 mô hình nuôi thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại các mô hình triển khai từ các năm trước, các hộ dân tham gia vẫn tiếp tục thực hiện nuôi theo hình thức thâm canh cao và đều đánh giá cao hiệu quả mà mô hình đem lại. Việc nuôi cá theo hình thức thâm canh cao giúp người nuôi trồng thủy sản dễ dàng chăm sóc, năng suất đem lại cao hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống.
Các mô hình triển khai tại các địa phương không những trở thành điểm tham quan học tập cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh mà còn tạo công ăn việc làm và giúp người nuôi tăng thu nhập, phát triển kinh tế.
Với lợi thế mặt nước nuôi trồng thủy sản khoảng 6.500ha, ngành nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Vĩnh Phúc đang có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Việc thay đổi và đa dạng các hình thức nuôi trồng thủy sản góp phần khắc phục những tồn tại, khó khăn mà ngành thủy sản gặp phải, góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân nuôi trồng thủy sản các địa phương trong tỉnh.
Thu nhập cao từ nuôi cá thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại