Việt Nam và Thái Lan hợp tác hiệu quả trong nhiều cơ chế khu vực và quốc tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênThứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng tham dự buổi tọa đàm. (Ảnh: TTXVN) |
Tọa đàm có sự tham dự của các Đại sứ, nguyên Đại sứ, đại diện giới nghiên cứu, doanh nghiệp và những người đã đóng góp vào quan hệ hai nước. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến và truyền phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook để quảng bá về quan hệ Việt Nam – Thái Lan tới đông đảo công chúng.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành khẳng định dấu mốc kỷ niệm 45 năm là thời điểm quan trọng để hai nước cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được và hướng đến tương lai.
Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura chia sẻ nhận định này và nhấn mạnh rằng những đánh giá sâu sắc của các diễn giả tại Tọa đàm sẽ đóng góp thiết thực giúp Chính phủ hai nước củng cố và phát huy nền tảng quan hệ Việt Nam – Thái Lan trong thời gian tới.
Trong bài phát biểu dẫn đề, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng khẳng định việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thái Lan cách đây 45 năm đã mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, du lịch, văn hóa - xã hội.
Ở các diễn đàn đa phương, hai nước đã tích cực hợp tác chặt chẽ với nhau, đóng góp cho việc tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Gần đây nhất, tình hữu nghị giữa hai nước tiếp tục được khẳng định qua những nỗ lực to lớn trong ứng phó với dịch Covid-19, tiếp cận nguồn vắc-xin, hướng tới phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Về phía Thái Lan, Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongphakdi đề cao sự gắn kết chặt chẽ, khăng khít chưa từng có giữa Thái Lan và Việt Nam, với tần suất đối thoại và thăm viếng lẫn nhau thường xuyên ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp lãnh đạo cao nhất.
Ông tin tưởng rằng với cam kết mạnh mẽ và nỗ lực của cả hai nước, Việt Nam và Thái Lan sẽ đạt mục tiêu 25 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2025. Bí thư Thường trực Thani cũng đề xuất hai nước cân nhắc xây dựng quan hệ đối tác trên 03 trụ cột: Phát triển bền vững, hòa bình bền vững, tương lai bền vững.
Trong phiên 1, Tọa đàm đã điểm lại những thành tựu đạt được trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Thái Lan 45 năm qua trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân.
Về chính trị, các ý kiến tại Tọa đàm cho rằng, quan hệ Việt Nam – Thái Lan đã được thiết lập từ lâu đời và luôn được gìn giữ, phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử thông qua các mối giao lưu giữa nhân dân hai nước từ nhiều thế kỷ trước.
Các đại biểu cũng đề cao ý nghĩa của các cơ chế hợp tác song phương, đặc biệt là cơ chế Họp nội các chung do Thủ tướng hai nước đồng chủ trì từ năm 2004. Việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013, sau đó nâng cấp lên Đối tác chiến lược tăng cường năm 2019 đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của quan hệ giữa hai nước.
Trên bình diện đa phương, Việt Nam và Thái Lan đã hợp tác hiệu quả trong nhiều cơ chế khu vực và quốc tế như ASEAN, GMS, ACMECS, APEC, ASEM, Liên hợp quốc. Về kinh tế, Thái Lan là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.
Hợp tác văn hóa - giáo dục sôi động và giao lưu Nhân dân sâu sắc được hai nước hết sức coi trọng, trong đó cộng đồng người Thái gốc Việt tại Thái Lan góp phần không nhỏ vào việc gắn kết và củng cố quan hệ song phương. Việc đào tạo tiếng Thái đã trở thành nhiệm vụ quan trọng của một số trường Đại học ở Việt Nam, đóng góp cho tình hữu nghị bền chặt.
Trong phiên 2, các đại biểu tập trung thảo luận về những khuyến nghị nhằm tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan trong thời gian tới. Đa số ý kiến cho rằng hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa được khai thác hết.
Để hiện thực hóa các tiềm năng này, hai nước có thể tăng cường trao đổi các cấp, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong chuyển giao tri thức, công nghệ, chú trọng thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh hiện nay.
Bên cạnh đó, hai nước có thể khám phá những cơ hội hợp tác mới, phù hợp với xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 như khởi nghiệp công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, tái lập chuỗi cung ứng, nghiên cứu sản xuất vắc-xin Covid-19, phát triển xanh, bền vững... và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.
Sự phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy các sáng kiến chung tại các cơ chế ACMECS, GMS sẽ giúp hai nước hiện thực hóa những lợi ích và đóng góp vào sự phát triển bền vững của tiểu vùng Mê Công và Đông Nam Á nói chung.
Trong vấn đề Biển Đông, hai bên cần phối hợp xây dựng các cơ chế quản lý và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Hợp tác Việt Nam – Thái Lan sẽ tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào việc thúc đẩy vai trò trung tâm và đoàn kết nội khối giữa các thành viên ASEAN, cũng như vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực.
Với không khí trao đổi thẳng thắn và cởi mở, Tọa đàm không chỉ là diễn đàn để chia sẻ những tình cảm hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước trong 45 năm qua, mà còn khẳng định quyết tâm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam – Thái Lan.
Những khuyến nghị chính sách được nêu lên tại Tọa đàm đã gợi mở nhiều ý tưởng, sáng kiến cho các hoạt động hợp tác thiết thực giữa hai nước trong tương lai.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại