Việt Nam tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác nhà khoa học nghiên cứu vắc xin trong phòng thí nghiệm |
Ngày 23-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố, thêm 5 nước gồm Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA theo sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi.
Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vắc-xin trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin quốc gia của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Việc sản xuất vắc-xin mRNA tại Việt Nam mở ra cơ hội không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin.
Việc được lựa chọn nằm trong danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA cho thấy WHO đánh giá cao năng lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và sản xuất vắc-xin quy mô lớn với chất lượng cao, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam được tiếp nhận các hỗ trợ của WHO và các đối tác quốc tế để phát triển và sản xuất thành công vắc-xin mRNA phòng COVID-19 và các bệnh khác trong tương lai. Ngoài ra, việc nhận chuyển giao công nghệ này cũng sẽ đóng góp vào việc tăng cường năng lực sản xuất vắc-xin ở khu vực, góp phần vào các nỗ lực bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực.
Tại buổi họp báo, WHO tái khẳng định nỗ lực hỗ trợ các nước quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ vắc-xin mRNA, trước mắt tập trung ưu tiên những nước thu nhập thấp và trung bình không có công nghệ mRNA nhưng có cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất sinh phẩm. WHO sẽ thảo luận với các nước khác muốn tham gia và sẽ công bố thêm các nước tiếp nhận công nghệ mRNA trong những tháng tới. Các nước tiếp nhận sẽ được WHO hỗ trợ xây dựng kế hoạch, cung cấp đào tạo, tập huấn chuyên môn dự kiến từ tháng 3-2022.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại