Việt Nam ghi nhận hơn 10.600 ca Covid-19, 380 ca tử vong
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTính từ 18g ngày 18-8 đến 19g ngày 19-8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.654 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 10.639 ca ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (4.425), Bình Dương (3.255), Đồng Nai (657), Long An (545), Tiền Giang (478), Đồng Tháp (185), Đà Nẵng (164), Khánh Hòa (151), Cần Thơ (134), Tây Ninh (102), An Giang (70), Vĩnh Long (60), Hà Nội (53), Trà Vinh (51), Nghệ An (45), Phú Yên (44), Bình Thuận (43), Sơn La (26), Quảng Nam (24), Bình Định (24), Kiên Giang (17), Quảng Ngãi (16), Quảng Trị (9), Bình Phước (8 ), Bắc Giang (7), Ninh Thuận (7), Hà Tĩnh (7), Hậu Giang (6), Thanh Hóa (6), Bắc Ninh (4), Nam Định (4), Quảng Bình (4), Hải Dương (2), Ninh Bình (2), Bạc Liêu (2), Thái Bình (1), Lạng Sơn (1) trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24g giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.995 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 694 ca, Bình Dương tăng 742 ca, Đồng Nai tăng 214 ca, Long An tăng 117 ca, Tiền Giang tăng 196 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 312.611 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.180 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 308.559 ca, trong đó có 113.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
+ Có 04 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (164.542), Bình Dương (55.601), Long An (16.552), Đồng Nai (15.602), Bắc Giang (5.802).
Về tình hình điều trị: Có 5.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 19-8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 120.059 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 660 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 27 ca.
- Ngày 19-8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 380 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (307), Bình Dương (45), Long An (17), Cần Thơ (3), Bến Tre (2), Bình Thuận (2), Tiền Giang (2), Vĩnh Long (2).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 19/8 là 7.150 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 201.443 xét nghiệm cho 643.418 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27-4 đến nay đã thực hiện 8.878.290 mẫu cho 25.762.113 lượt người.
Trong ngày 18-8 có 398.031 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 15.922.537 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.359.868 liều, tiêm mũi 2 là 1.562.669 liều.
Những hoạt động của ngành y tế trong ngày: Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 với 4 tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, trong đó có nội dung thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại TP. Hồ Chí Minh, có thể triển khai mô hình này ở bất cứ địa điểm nào (nhà thi đấu, phòng khám đa khoa khu vực, nhà văn hóa, Uỷ ban nhân dân xã, phường, hoặc nhà dân rộng rãi xa các nhà xung quanh).
- Bộ Y tế ban hành: (1) Quyết định số 3979/QĐ-BYT ngày 18-8-2021 về Tiêu chí kiểm soát dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ; (2) Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18-8-2021 về Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
- TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch xét nghiệm 2716/KH-UBND ngày 15-8-2021 và Kế hoạch 5811/SYT-NVY ngày 19-8-2021 về hoạt động của Trạm Y tế lưu động với 389 Trạm Y tế lưu động để quản lý 50-100 trường hợp F0/trạm để đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế khi có nhu cầu và phục vụ quản lý, điều trị, chuyển tuyến người bệnh tại cộng đồng.
- TP. Hồ CHí Minh ban hành hướng dẫn quản lý sức khỏe người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà; triển khai Mạng lưới thầy thuốc đồng hành giúp tư vấn, giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người nghi nhiêm và nhiễm nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà; thành lập Đội phản ứng nhanh Covid-19 cấp cứu ban đầu.
- Từ ngày 19-8, Thành phố Đà Nẵng triển khai xét nghiệm Covid-19 cho người vào thành phố ngay tại chốt kiểm soát. Việc xét nghiệm này nhằm phát hiện kịp thời trường hợp mắc Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài.
- Tỉnh Long An xây dựng kế hoạch sàng lọc người mắc Covid-19 cho tất cả người dân của 15 huyện, thị, TP trong toàn tỉnh từ ngày 20 đến 31-8. Đối với các địa phương thuộc “Vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng” của Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước và thành phố Tân An, Long An thực hiện test nhanh kháng nguyên, sau đó, xét nghiệm PCR đơn cho những mẫu dương; xét nghiệm PCR gộp cho những ca test nhanh âm tính.
Ảnh minh họa (P.V.V) |
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc-xin COVIVAC
Chiều 19-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc-xin phòng Covid-19 đã tới kiểm tra công tác thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 2 vắc-xin dự tuyển phòng bệnh Covid-19 bất hoạt mới (COVIVAC) tại Trung tâm y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao kết quả của giai đoạn 1 của vắc-xin COVIVAC đã đạt được, đồng thời để nghị trong giai đoạn 2 các đơn vị triển khai cần nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật thử nghiệm lâm sàng vắc-xin và theo dõi chặt chẽ sau tiêm đối với các tình nguyện viên tham gia.
Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin phòng Covid-19 “made in Vietnam” an toàn, hiệu quả được xác định là một nhiệm vụ khoa học quan trọng giúp Việt Nam sớm tự chủ nguồn vắc-xin và được quốc tế công nhận, sử dụng.
GS.TS Trần Văn Thuấn nhấn mạnh việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc xin trong là một trong những chiến lược quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động gặp gỡ, động viên các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, với sự tham gia, hướng dẫn của các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế, ngành y tế Việt Nam sẽ đạt được kết quả tốt trong nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa Covid-19, tiến tới sản xuất được các loại vắc xin với giá cả phải chăng, an toàn và hiệu quả.
Dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVIVAC của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5-2020, trên cơ sở hợp tác với các Trường đại học, Viện nghiên cứu và các Tổ chức quốc tế sản xuất. Trong đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (đơn vị nhận thử nghiệm), Đại học Y Hà Nội (đơn vị triển khai thử nghiệm). Trong giai đoạn 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình là đơn vị phối hợp triển khai.
Ngày 3-8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia (Hội đồng đạo đức Quốc gia) nhận được báo cáo giữa kỳ giai đoạn 1 của TNLS vắc-xin COVIVAC, với kết quả khả quan của TNLS giai đoạn 1 (bắt đầu triển khai từ tháng 3/2021) cho thấy vắc-xin dự tuyển này an toàn và có tính sinh miễn dịch, đủ điều kiện để chuyển sang giai đoạn 2.
Ngày 7-8, Hội đồng đạo đức Quốc gia đã họp thông qua đề cương nghiên cứu giai đoạn 2 vắc-xin COVIVAC do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế trực thuộc Bộ Y tế (IVAC) sản xuất. Mục tiêu của giai đoạn 2 là đánh giá công thức và liều lượng vắc xin COVIVAC nào là tối ưu cho giai đoạn nghiên cứu TNLS tiếp theo.
Tính an toàn và đáp ứng miễn dịch cũng sẽ tiếp tục được đánh giá. Nhóm nghiên cứu sẽ triển khai gối đầu giai đoạn 2 sau khi có kết quả giữa kỳ giai đoạn 1. Dự kiến tháng 11 sẽ có kết quả giữa kỳ của giai đoạn 2.
Trong tổng số 375 người tình nguyện viên tham gia giai đoạn 2 gồm 2 nhóm đối tượng: nam và nữ, nhóm tuổi từ 18-59 và ≥ 60 tuổi. Tiếp tục được phân thành 3 nhóm, mỗi nhóm 125 người (1:1:1); trong đó độ tuổi ≥ 60 tuổi chiếm tỷ lệ 1/3. Mỗi nhóm được chia ra tiêm 2 mức liều khác nhau: mức liều 3mcg, mức liều 6mcg của vắc xin COVIVAC và tiêm vắc xin AstraZeneca (AZD1222). Trong 2 ngày 18 và 19-8, tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình triển khai tiêm liều 1 cho 131 tình nguyện viên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kiểm tra công tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắc-xin COVIVAC tại Thái Bình (ảnh: BYT) |
Bộ Y tế thiết lập mô hình trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương
Ngày 19-8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong cuộc chiến phòng chống dịch ở nước ta chủ trương ngay từ đầu đã coi xã, phường là “pháo đài phòng chống dịch”.
Trước diễn biến dịch bệnh hiện nay, đặc biệt trong thời gian thực hiện giãn cách, cách ly, song song với công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yếu tố quan trọng là chăm sóc, điều trị F0 dựa vào cộng đồng. Do đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế không bị đứt quãng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế phối hợp với TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thiết lập mô hình triển khai trạm y tế lưu động tuyến xã, phường với phương châm “bám dân, gần dân và phục vụ người dân”. Trước đây mỗi xã phường có 1 trạm y tế, nhưng trong bối cảnh hiện nay có thể bố trí nhiều hơn, nhất là tại khu vực đông dân cư, nhiều người nhiễm COVID-19 như tại TP Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương và các chuyên gia của Bộ Y tế tại các điểm cầu, kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: mô hình trạm y tế lưu động là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với TP Hồ Chí Minh và một số địa bàn tại các địa phương không thể quản lý điều trị F0 tại những khu vực tập trung.
“Việc thiết lập các trạm y tế lưu động để phục vụ quản lý, điều trị người nhiễm tại cộng đồng, trước mắt tại TP Hồ Chí Minh”- Bộ trưởng nói, đồng thời lưu ý các địa phương còn lại chuẩn bị sẵn sàng triển khai mô hình này để nếu xảy ra tình huống như trên thì có thể kích hoạt ngay.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: Bộ Y tế sẽ ban hành Hướng dẫn tạm thời quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và Hướng dẫn mô hình hoạt động trạm y tế lưu động.
Về địa điểm thiết lập trạm y tế lưu động, Bộ trưởng cho rằng có thể triển khai mô hình này ở bất cứ địa điểm nào (nhà thi đấu, phòng khám đa khoa khu vực, nhà văn hoá, UBND xã, phường, hoặc nhà dân rộng rãi xa các nhà xung quanh). Trong trường hợp không thể chọn các địa điểm trên thì có thể chọn ‘thiết lập trên đường phố”. “Tuy nhiên chúng tôi đề nghị tốt nhất là chọn những địa điểm đã kể trên” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Về nhân lực của các trạm y tế cơ động này, về cơ bản mỗi trạm 1-2 bác sĩ; đối với lực lượng cán bộ y tế khác có thể từ 5-7 người; nhân lực khác nên chọn tình nguyện viên trên địa bàn có sự am hiểu về dân cư và tình hình của địa bàn.
Về trang thiết bị tối thiểu nhất có thể, có 2 bình oxy, mặt nạ thở ô xy để thay phiên và một số dụng cụ sơ cứu khác. Túi thuốc cấp cứu lưu động cũng cần tối giản.
Nguyên tắc hoạt động của các trạm y tế lưu động là thực hiện chức năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu trong điều kiện tối giản, nhân lực tối giản, nhưng hoạt động phải đảm bảo các yếu tố quản lý điều trị, chăm sóc ban đầu với các bệnh lý thông thường (phải phục vụ khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, khám, cấp phát thuốc cho người bệnh mạn tính); quản lý, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 tại cộng đồng có kiểm soát và có thể chuyển tuyến.
Bên cạnh đó, trạm y tế lưu động còn tổ chức thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 và một số xét nghiệm khác; tổ chức tiêm chủng vaccine và thực hiện nhiệm vụ truyền thông trong cộng đồng.
“Chính quyền các tỉnh, thành phố phải điều hành hoạt động của các trạm y tế lưu động này và có ưu tiên để các trạm kết nối được với lực lượng cấp cứu cơ động có chức năng chuyển tuyến, bố trí xe cấp cứu chuyển bệnh nhân cần cấp cứu lên tuyến trên kịp thời”.
Bộ trưởng cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh sắp xếp nhân sự cho các trạm y tế lưu động, nêu rõ số lượng nhân lực cần hỗ trợ để Bộ Y tế có kế hoạch trợ giúp phù hợp.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại