Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Đặng Thanh Tâm, cán bộ Tư pháp – hộ tịch phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, đóng góp tham luận về công tác PBGDPL. Ảnh: Khánh Huy |
Hỏi: Tôi được biết, vừa có quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp. Xin quý báo cho biết chi tiết?
(Nguyễn Anh Hoà, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau:
Ngày 29/6/2023, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTP quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tư pháp. Theo đó, Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Thông tư này quy định về danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp.
2. Thông tư này áp dụng với các cơ quan, tổ chức hành chính thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Tư pháp từ trung ương đến địa phương, gồm:
a) Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ Tư pháp.
b) Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
c) Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.
Về nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp, Điều 2 quy định:
1. Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức (sau đây gọi tắt là Nghị định số 62/2020/NĐ-CP).
2. Căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP .
Điều 3, danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp:
1. Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
2. Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp quy định tại Phụ lục II, III, IV, V, VI, VII, VIII, IX kèm theo Thông tư này.
3. Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp quy định tại Phụ lục X kèm theo Thông tư này.
Điều 4, tổ chức thực hiện:
1. Căn cứ Thông tư này, cơ quan, tổ chức hành chính nêu tại Điều 1 xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức mình gửi cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ về tổ chức cán bộ cùng cấp để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới ban hành.
Điều 5, điều khoản chuyển tiếp:
Đối với trường hợp công chức đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.
Về hiệu lực và trách nhiệm thi hành, Điều 6 quy định:
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023.
2. UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn, giải quyết.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại