Vi bằng của Thừa phát lại hữu ích với người dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ Tư pháp vừa có báo cáo về thực trạng lập, đăng ký vi bằng trong tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.
Theo thống kê, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, các Văn phòng Thừa phát trên cả nước lại đã lập 77.156 vi bằng, đạt doanh thu 67 tỷ 544 triệu đồng (số lượng vi bằng được lập tăng gần 180%, doanh thu tăng 114% so với cả thời kỳ thực hiện thí điểm).
Các vi bằng được lập có nội dung phong phú trên nhiều lĩnh vực như: ghi nhận các hành vi thực hiện giao dịch, thỏa thuận; mô tả hiện trạng nhà; ghi nhận lời khai của người làm chứng; ghi nhận hành vi, thời điểm diễn ra các giao dịch mua bán; ghi nhận sự kiện diễn ra cuộc họp của công ty; ghi nhận hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ; hành vi bàn giao tiền, tài sản, giấy tờ...
Theo Bộ Tư pháp, sự đa dạng về nội dung các sự kiện và hành vi, về lĩnh vực lập vi bằng; sự gia tăng số lượng vi bằng được lập và đăng ký cho thấy nhu cầu chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tạo lập chứng cứ thông qua hình thức vi bằng nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình là rất lớn.
Trên thực tế, việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã góp phần bổ sung nguồn chứng cứ, giúp các bên đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; cơ quan tài phán xem xét, giải quyết vụ việc một khách quan, đúng pháp luật.
Đã có một số trường hợp, vi bằng do Thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ quan trọng được Tòa án, cơ quan tài phán xem xét, giải quyết trong một số vụ kiện lớn, có yếu tố nước ngoài, được dư luận quan tâm.
Điển hình như việc Văn phòng Thừa phát lại Quận Bình Thạnh (TP HCM) lập vi bằng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến khối di sản thừa kế 1.000 tỷ đồng của bà Thạch Kim Phát ở quận Tân Phú (TP HCM), được dư luận trong nước và cả kiều bào ở nước ngoài quan tâm, biết đến.
Hay như trường hợp Văn phòng Thừa phát lại Quận 1 (TP HCM) lập vi bằng chứng cứ, trên cơ sở này sau đó Phòng xét xử, xem xét lại nhãn hiệu thuộc Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã hủy 2 nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot” do Công ty TNHH cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (Guangzhou Buon Ma Thuot Coffe Co.,Ltd) đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc theo yêu cầu của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Việt Nam.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6 năm 2015, Tòa án nhân dân hai cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh có 117 vụ việc sử dụng vi bằng làm chứng cứ trong việc xét xử.
Vi bằng ngày càng được chứng tỏ sự cần thiết và hữu ích đối với người dân |
Không chỉ đơn thuần là chứng cứ phục vụ cho công tác xét xử của Tòa án mà vi bằng khi được lập đã góp phần giảm bớt các tranh chấp, khiếu kiện phải đưa ra xét xử tại Tòa án do các bên đã có căn cứ, cơ sở để chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình trong quá trình thực hiện các hợp đồng giao dịch. Từ đó, các bên tự giải quyết các tranh chấp, bất đồng, bồi thường thiệt hại mà không cần phải khởi kiện ra Tòa án.
Ngoài lĩnh vực giải quyết tranh chấp, nhiều cơ quan hành chính nhà nước hiện cũng đã yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về thực trạng sử dụng đất đai, nhà ở để phục vụ công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp; bồi thường giải tỏa; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở.
Có thể thấy, trong 4 lĩnh vực hoạt động của Thừa phát lại, việc lập vi bằng mang lại hiệu quả tốt nhất, đã đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau của người dân và đã dần trở thành một nhu cầu trong các hoạt động dân sự, sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại