Thứ sáu 29/03/2024 03:18

Vấn nạn bạo lực học đường lại nóng trở lại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xuất hiện trên mạng xã hội hay trên báo chí có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tại cuộc họp phụ huynh lớp 7 tại một trường trong quận trung tâm Hà Nội, cô giáo chủ nhiệm phải thốt lên, sao học sinh bây giờ dễ “đánh nhau” quá. Hôm qua ở lớp có 2 bạn xông vào đánh nhau, sau đó 4 bạn lao vào can và hậu quả là cả 4 bạn can cũng quay ra “đánh nhau”.
Đối với BLHĐ, các biện pháp xử lý qua loa, hình thức có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì vấn đề không được giải quyết triệt để
Đối với BLHĐ, các biện pháp xử lý qua loa, hình thức có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì vấn đề không được giải quyết triệt để

Những vụ việc không đáng có

Cách đây ít ngày, một clip đang lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh đánh đập thô bạo khiến nhiều người bức xúc. Trong clip, nam sinh bị đánh chỉ biết bất lực đưa tay đỡ đầu, né đòn. Cùng với đó, hình ảnh nạn nhân bị đổ máu ở đầu cũng được một số trang thông tin đăng tải trên mạng xã hội. Từ hình ảnh clip ghi lại cho thấy, sự việc diễn ra ở cầu thang trường học, với sự chứng kiến của rất nhiều sinh viên.

Trường ĐH FPT Campus Hòa Lạc (Hà Nội) xác nhận trận ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn cá nhân giữa hai sinh viên trong khuôn viên trường. CA huyện Thạch Thất hiện đã làm việc với sinh viên đánh bạn để phục vụ điều tra. Đồng thời, nhà trường ra quyết tạm thời định đình chỉ học tập với sinh viên này để phục vụ công tác điều tra và chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Cũng là một sự việc BLHĐ, lực lượng chức năng huyện Ứng Hòa đang làm rõ vụ việc một nữ sinh lớp 8, Trường THCS Minh Đức (xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa), bị một số học sinh khác cùng trường hành hung, bạn can ngăn cũng bị đánh. Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip một nữ sinh bị 4-5 học sinh khác lao vào hành hung. Đáng nói, khi có một nam sinh lao vào can ngăn thì những học sinh trên tiếp tục lao vào đánh nam sinh này.

Theo chia sẻ từ người thân nạn nhân, đây không phải lần đầu tiên nữ sinh này bị đánh. Lí do nữ sinh này bị đánh đơn giản chỉ do em bị bạn ngồi phía sau trêu chọc và em thưa cô giáo. Từ hôm đó trở đi, các bạn đã rủ nhau đánh em vào giờ ra chơi.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng huyện Chương Mỹ, Hà Nội, một nữ sinh lớp 5 Trường tiểu học Mỹ Lương đã tự cởi đồ để mong các bạn cùng lớp tha lỗi. Ngày 22/4, em K.T.T (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Mỹ Lương) đốt vở của em M và đổ lỗi cho em Tr (học cùng lớp T). Sau đó, T gặp Tr để xin lỗi. Thấy vậy, em Nh (đang đi cùng Tr) đã tát T và không cho xin lỗi. Ngày 29/4, một số học sinh đã hẹn gặp T tại sân nhà văn hóa của thôn (thuộc xã Mỹ Lương) để “cho phép” nữ sinh này xin lỗi. Tại đây, em T nói với các bạn rằng “tớ cởi đồ ra thì các bạn tha lỗi cho tớ”. Sau đó, T tự cởi áo của mình và bị một học sinh quay clip. Đến ngày 15/5, đoạn clip này bị phát tán trên mạng xã hội và bị thu hồi trong ngày.

Theo UBND huyện Chương Mỹ, ngay sau khi vụ việc xảy ra, CA xã đã phối hợp với nhà trường mời các học sinh có liên quan cùng phụ huynh đến làm việc. Tại buổi làm việc, các phụ huynh đều nhận rõ lỗi của con mình và xin phép nhà trường đến gặp gia đình em T để xin lỗi. Bố em T đã đồng ý tha lỗi cho các em. Bên cạnh đó, Trường tiểu học Mỹ Lương yêu cầu các học sinh liên quan viết bản tường trình và xem xét xử lý vi phạm. Trong bản tường trình, các học sinh đã trình bày lại vụ việc, đều nhận khuyết điểm của bản thân, thành thực nhận lỗi và xin tha lỗi, đồng thời cam kết không tái phạm.

Cách đây hơn 1 tháng, ba học sinh tham gia đánh hội đồng một nữ sinh lớp 8 Giang T.C tại Trường THCS Xuân Nộn, Hà Nội đã bị đình chỉ học. Gia đình nữ sinh bị đánh đã gửi đơn tố giác với CA xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) và gửi đơn kiến nghị tới Phòng GD&ĐT huyện Đông Anh. Gần một tháng sau khi bị nhóm bạn đánh hội đồng, người nhà của Giang T.C vẫn phải đưa con đi khắp các BV ở Hà Nội để khám, điều trị.

Anh Giang Công Băng, bố C, cho biết, từ ngày bị đánh, con hoảng loạn, không cho mẹ tới gần nên một mình anh chăm sóc và đưa đi các viện để khám và điều trị. Anh Băng còn cho biết, cánh tay của con gái anh nhằng nhịt vết cắt. Đó là kết quả của những lần con vớ được vật nhọn và tự làm đau bản thân. Trong người C cũng chi chít vết bầm vì bị đánh...

Có những loại BLHĐ "thầm lặng"

Những vụ việc như trong các clip là loại BLHĐ mà chúng ta dễ nhận diện, ai nhìn vào cũng thấy ngay là không thể chấp nhận được. Nhưng có những loại BLHĐ thầm lặng hơn mà nhiều khi nhà trường hay các bậc phụ huynh không để ý hoặc xem nhẹ, trong khi mức độ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh lại rất nặng nề. Đó không phải chỉ là việc hành hạ, ngược đãi, đánh đập mà nhiều khi là những hành vi có tính chất lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các bạn học sinh, hoặc là cô lập, xua đuổi… khiến một học sinh bị tổn hại về tinh thần.

Những hành vi BLHĐ “thầm lặng” này nếu không được phát hiện sớm và giải quyết kịp thời thì trong những trường hợp nhất định sẽ nguy hại hơn đánh đập, vì đánh đập có thể chỉ là chuyện bột phát, còn việc xúc phạm danh dự hay cô lập thường diễn ra dai dẳng, không có điểm dừng và gây khủng hoảng tinh thần nặng nề đối với người trong cuộc.

Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa vào trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Với những em là nạn nhân của BLHĐ thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tìm giải pháp.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau, tức là khoảng 5 vụ/ngày. Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Còn theo thống kê của Bộ CA, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Nay thì tội phạm ngày càng trẻ hóa, đa phần ở độ tuổi 18 đến dưới 30, chiếm tới 41% tội phạm giết người.
Nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường
Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động