Thứ sáu 26/04/2024 16:58

Uyển chuyển khi áp dụng thuần phong mỹ tục trong hòa giải tại cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà còn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, qua đó làm cho các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Tiền đề đưa pháp luật đi vào đời sống

Phong tục, tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Tập quán có tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận và thi hành pháp luật của người dân. Tập quán lạc hậu sẽ trở thành lực cản trong việc tiếp nhận và thi hành pháp luật. Ngược lại, phong tục tập quán tốt đẹp sẽ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng tình đoàn kết nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng con đường hoà giải, giải quyết linh hoạt, kịp thời, có tình, có lý các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, phù hợp với điều kiện của từng địa phương bảo đảm ổn định trật tự xã hội và do vậy, sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật.

Hòa giải viên vận dụng hợp lý luật tục coi trọng kết hôn bền vững của người Ê-đê để tăng hiệu quả trong công tác hòa giải
Hòa giải viên vận dụng hợp lý luật tục coi trọng kết hôn bền vững của người Ê-đê để tăng hiệu quả trong công tác hòa giải

Việc áp dụng các phong tục, tập quán, hương ước của cộng đồng, và quan hệ họ hàng, dòng tộc ở địa phương trong hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng. Một trong các bước tiến hành hòa giải tại cơ sở chính là phân tích phong tục tập quán, truyền thống đạo đức xã hội phù hợp với quy định pháp luật để các bên đạt đến thỏa thuận hòa giải thành. Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải không chỉ dựa trên các quy định của pháp luật mà còn dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục, tập quán tốt đẹp để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy trong họ những suy nghĩ, tình cảm tích cực, qua đó làm cho các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Để thực hiện nguyên tắc này, mỗi hòa giải viên phải hiểu và nắm vững đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trước hết, cần nắm vững các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan mật thiết đến công tác hòa giải ở cơ sở như pháp luật dân sự (như quan hệ tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế...); pháp luật hôn nhân và gia đình (như quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, quan hệ cha, mẹ, con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn, yêu cầu cấp dưỡng...); pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường; pháp luật hành chính và pháp luật hình sự…

Khi hiểu và áp dụng phù hợp các phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương để động viên, khuyên nhủ các bên dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì hiệu quả hòa giải sẽ cao hơn nhiều.

Linh hoạt để phù hợp trong từng hoàn cảnh

Tuy nhiên, ở một số trường hợp các quy ước này lại đi ngược với quy định của luật pháp, do đó làm cản trở quá trình thực thi pháp luật ở địa phương. Việc vận dụng các phong tục, tập quán, câu ca dao, tục ngữ, phải có sự chọn lọc cho phù hợp, tránh các giáo lý, hủ tục lạc hậu. Ví dụ, ở Tây Nguyên, hòa giải viên có thể kết hợp với một số quy định tiến bộ trong

Ngược lại, ở những nơi có tập quán lạc hậu về hôn nhân gia đình như kết hôn trước tuổi quy định của pháp luật, cưỡng ép kết hôn do mê tín dị đoan, cản trở hôn nhân do mâu thuẫn tôn giáo, không có sính lễ không được kết hôn… thì cần được hòa giải viên phân tích, phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân hiểu và thực hiện. Trong các trường hợp phong tục tập quán có sức ảnh hưởng lớn tới cộng đồng thì hòa giải viên là người có uy tín trong cộng đồng, nắm rõ phong tục tập quán địa phương sẽ có hiệu quả cao.

Như vậy, khi các hòa giải viên tiến hành hòa giải phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân, là biện pháp quan trọng trực tiếp đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy truyền thống đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Tại Hà Nội, xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng, thời gian qua, TP Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải. Với nhiều mô hình, cách làm độc đáo, hàng năm tỷ lệ hòa giải thànhcông trên địa bàn Thành phố đều đạt trên 80%.

Theo Báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,75%, nhờ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư. Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, toàn Thành phố hiện có 4.975 tổ hòa giải với tổng số 32.075 hòa giải viên, trong đó có 2.637/4.975 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 53%).

“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí gồm: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; Phối hợp tốt giữa Ban Công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; Định kỳ giao ban sáu tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.

Chí Tùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động