Ưu tiên các đơn vị đang thuê hoặc thiếu diện tích làm việc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội giám sát công tác quản lý tài sản công là nhà, đất tại quận Thanh Xuân |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, 28 Sở, ban, ngành thuộc TP (không bao gồm các cơ quan, đơn vị trực thuộc) đang sử dụng 57 cơ sở nhà, đất làm trụ sở, công trình sự nghiệp, với diện tích khoảng 60.875m2 đất, khoảng 90.809m2 sàn. Trong đó có 74.914m2 sàn tại 45 điểm các cơ quan, đơn vị được UBND TP giao sử dụng lâu dài; 14.639m2 tại 11 điểm là diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư thuộc sở hữu của UBND TP giao các DN quản lý, ký hợp đồng cho thuê; 1.256m2 Sở Du lịch Hà Nội ký hợp đồng thuê của Tổng Cty Thương mại Hà Nội.
Qua giám sát của HĐND TP cho thấy, nhiệm vụ nêu trên không được các đơn vị quan tâm thực hiện nghiêm túc. Một số đơn vị thể hiện rõ yếu kém trong công tác quản lý lĩnh vực này.
Điển hình như Cty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội hiện đang quản lý 5 địa điểm, trong đó, có 2 cơ sở nhà, đất là thuê của Nhà nước, 3 địa điểm được TP giao đất. Các tài sản công là nhà, đất Cty được giao quản lý sử dụng nằm ở vị trí mặt đường lớn, phố chính trong các quận, có giá trị kinh tế rất cao nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khiến cho tình hình tài chính của Cty gặp khó khăn, phải nợ tiền thuê nhà, đất hơn 70 tỷ đồng. Công tác quản lý hồ sơ địa chính chưa chặt chẽ, dẫn tới một số diện tích bị chiếm dụng. Hợp đồng thuê nhà, đất ký giữa Cty và Cty TNHH một thành viên Quản lý và phát triển nhà đã hết thời hạn thuê hơn 6 năm nay, tuy nhiên đơn vị vẫn đang quản lý, khai thác và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Quận Thanh Xuân có 69 đơn vị trực thuộc được giao quản lý tài sản công là nhà đất, trong đó có 15 đơn vị hành chính, 54 đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội. Nhìn chung, công tác quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị thuộc quận được thực hiện theo quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng tài sản. Song, trên địa bàn có 8 nhà văn hóa cấp phường chưa được đưa vào danh mục; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng tài sản công chưa được chú trọng. Việc quản lý nhà tái định cư vẫn còn một số tồn tại trong công tác bảo trì, thiếu phòng sinh hoạt cộng đồng…
Trước những tồn tại, hạn chế trên, GĐ Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, thời gian tới, việc bố trí trụ sở làm việc của Sở, ban, ngành TP cần ưu tiên bố trí cho các cơ quan, đơn vị đang đi thuê nơi làm việc hoặc thiếu diện tích làm việc theo tiêu chuẩn, định mức. Việc chuyển giao nhà, đất là trụ sở cũ của các Sở, ban, ngành cho các quận, huyện, thị xã phục vụ mục đích công cộng (trường học, nhà văn hóa...) thực hiện theo quy định pháp luật và nhu cầu thực tế từng địa phương. Đặc biệt, các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp sẽ thực hiện xử lý theo đúng quy định pháp luật về tài sản công, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại