Ưu tiên vốn cho doanh nghiệp tư nhân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChủ trương cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang tạo ra sự chuyển dịch dòng vốn chủ đạo từ khu vực nhà nước sang tư nhân, là cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Phát triển nhờ doanh nghiệp nhỏ
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Công ty CP Cơ điện lạnh (REE), nhận xét: “Trong hai thập kỷ qua Việt Nam đã có chính sách đổi mới giúp nền kinh tế thay đổi bộ mặt, nhưng đồng vốn xã hội còn tập trung nhiều cho khu vực DN nhà nước, nhưng nhiều DN trong khu vực này lại hoạt động kém hiệu quả, gây nhiều lãng phí. Bản thân tôi cũng đã từng trong DN nhà nước, nhưng đã tự nguyện ra ngoài để kinh doanh”. Chủ tịch REE còn cho biết thêm, tại Đức, hơn 90% DN là DN nhỏ, và nền kinh tế đất nước này phát triển chủ yếu nhờ những DN nhỏ này. Việt Nam cũng nên phát triển những DN quy mô nhỏ và vừa, nhưng phải thực sự có chất lượng, chứ không cần DN hình thức lớn nhưng chất lượng kém.
Gần đây một số chính sách đã hướng đến khu vực tư nhân nhiều hơn, chẳng hạn như lĩnh vực tín dụng: Cho vay ưu tiên lãi suất thấp đối với 5 lĩnh vực trong đó có DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, các khoản vay lại chủ yếu ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động, chứ chưa có chính sách khuyến khích DN đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất kinh doanh. TS Lê Đạt Chí - Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP HCM - cho rằng DN quá sợ rủi ro do lãi suất biến động bất thường trong thời gian qua, cho nên Chính phủ cần có các gói tín dụng trung dài hạn với lãi suất thấp để khuyến khích DN tư nhân mạnh dạn đầu tư. Phải có vốn đầu tư trung dài hạn mới tăng được năng lực cạnh tranh, năng suất lao động; còn nếu vay ngắn hạn thì chỉ giải được bài toán vốn lưu động…
Tiến tới tự do hóa nền kinh tế
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 7-2014 của Ngân hàng HSBC Việt Nam, với nội dung “thời của tư nhân hóa?” cho thấy, năm 1992, sau khi các tập đoàn, tổng công ty ra đời ồ ạt, phần vốn đầu tư khu vực kinh tế nhà nước đã tăng đều trong suốt một thập kỷ và đạt đỉnh vào năm 2000, chiếm 61% tổng vốn nền kinh tế. Nhưng từ sau năm 2000, do thực hiện cổ phần hóa nên tỉ trọng phần vốn đầu tư nhà nước trong nền kinh tế giảm xuống còn 38% vào năm 2012 và xu hướng giảm này sẽ còn tiếp tục. “Việc nhà nước quyết tâm cổ phần hóa, kể cả một số DN thuộc những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế như: hàng không, viễn thông… đang là cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân” - bà Mai Thanh nói.
Số lượng các công ty nhà nước đã giảm từ 12.000 DN năm 1996 hiện xuống còn dưới 1.000 DN. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải cổ phần hóa 432 DN nhà nước trong vòng 2 năm tới, một loạt biện pháp được thông qua để thúc đẩy tư nhân hóa và cải thiện quản lý các công ty quốc doanh, đầu tư công và lĩnh vực ngân hàng. “Nền tảng cho tư nhân hóa đang được xây dựng, nhưng sẽ rất thận trọng, bởi nhà nước sẽ duy trì việc kiểm soát đối với những khu vực mang tính chiến lược nhất” - HSBC nhận định. Dù nhà nước có thể sẽ duy trì cổ phần chính trong các DN hoạt động trên những lĩnh vực chiến lược, nhưng Chính phủ đang xây dựng một khung pháp lý để tiến tới tự do hóa nền kinh tế, giảm đầu tư lãng phí và giảm tổng đầu tư nhà nước, để tạo thêm cơ hội cho các khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài phát triển.
Theo Người lao động
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại