Thứ tư 24/04/2024 03:18

Tỷ lệ thất nghiệp quý III - 2021 cao nhất trong 10 năm gần đây

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 12 -10, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo về tình hình lao động việc làm quý III và 9 tháng năm 2021.
Tỷ lệ thất nghiệp quý III - 2021 cao nhất trong 10 năm gần đây
Dịch Covid -19 khiến 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tỷ lệ thất nghiệp cao

Tại buổi họp báo, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống cho biết, tính riêng quý III - 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại địch Covid -19 như: Mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

So với quý II - 2021, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid -19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động từ 24-54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn so với khu vực nông thôn. Có 46,2% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong khi đó con số này ở nông thôn là 32,4%.

Về tình hình lao động việc làm quý III, số người tham gia lực lượng lao động quý III năm 2021 bị sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực nông thôn giảm 1,4 triệu người (chiếm 4,4% tổng số lao động khu vực nông thôn); lực lượng lao động ở khu vực thành thị giảm 583.000 người (chiếm 3,1% tổng số lao động khu vực thành thị).

Cũng theo Tổng cục thống kê, đến hết quý III vừa qua, biến thể Delta đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam khiến việc giãn cách xã hội kéo dài, nhiều DN và dịch vụ không thiết yếu buộc phải đóng cửa làm số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều người lao động buộc phải rời khỏi thị trường, khiến số người tham gia lực lượng lao động quý III bị sụt giảm nghiêm trọng.

Số người không có việc làm trong độ tuổi trong quý III là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập của người lao động giảm

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III - 2021, hầu hết ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề nhất với mức thu nhập bình quân tháng là 6,2 triệu đồng, giảm 1 triệu đồng, giảm 14,3% so với quý trước.

Lao động khu vực công nghiệp và xây dựng có mức thu nhập bình quân là 5,8 triệu đồng, giảm 906 nghìn đồng, giảm 13,5% so với quý trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn là khu vực có tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động, nhưng đến quý III - 2021 thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt 3,4 triệu đồng, giảm 340 nghìn đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước.

Tại TP Hồ Chí Minh mức thu nhập bình quân của người lao động giảm sâu, giảm 2,6 triệu đồng so với quý trước và giảm 2,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động TP Hồ Chí Minh chỉ là 5,8 triệu đồng, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Còn tại TP Hà Nội, lao động chịu ảnh hưởng nhẹ hơn nhiều với mức thu nhập bình quân của người lao động là 7,0 triệu đồng/người. Giảm khoảng 1,0 triệu/người, so với quý trước và giảm 342 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý IV khi mở cửa trở lại thì DN rất quan tâm tới giải pháp phòng chống dịch của các địa phương để từ đó có sự chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tuyển dụng lao động. Vì vậy, để thu hút lực lượng lao động quay trở lại thì các DN, địa phương cần phải có giải pháp cụ thể để tạo niềm tin cho người lao động, từ đó người lao động mới yên tâm và có kế hoạch quay trở lại.

Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động