Thứ sáu 22/11/2024 22:21
Xét xử phúc thẩm các bị cáo trong vụ "Chuyến bay giải cứu":

Tuyên án phúc thẩm các bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu"

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau 3 ngày xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo, HĐXX của TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra phán quyết với 21 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu".

Tuyên án phúc thẩm các bị cáo trong vụ án

HĐXX của TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra phán quyết với các bị cáo trong vụ án Chuyến bay giải cứu. Ảnh: Hồng Nguyên

Tuyên án phúc thẩm các bị cáo trong vụ án Chuyến bay giải cứu

Tại phiên tòa cấp phúc thẩm có 21 bị cáo kháng cáo (20 người xin giảm nhẹ hình phạt và 1 người kháng cáo bác bản án của tòa cấp sơ thẩm). Ngoài ra, có 2 bị cáo không có đơn kháng cáo nhưng vẫn được Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt.

Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định, vụ án xảy ra trong đại dịch COVID-19 khiến dư luận lên án gay gắt.

Các bị cáo thuộc các cơ quan ban ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay giải cứu đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho, ép doanh nghiệp chi tiền thì mới cấp phép thực hiện chuyến bay. Từ đó, doanh nghiệp đã phải tăng giá vé máy bay, gây ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, làm mất đi bản chất tốt đẹp của chính sách giải cứu công dân.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Đồng thời bị cáo đã vận động gia đình nộp lại 18,8 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả, bị cáo có hai bác ruột là liệt sĩ.

Đối với bị cáo Tô Anh Dũng, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo đã nộp thêm 100 triệu đồng và thực hiện xong các quyết định của bản án sơ thẩm. Cơ quan tố tụng cũng ghi nhận quá trình công tác, bị cáo Dũng có nhiều thành tích, được tặng thưởng các bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan được Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao gửi công văn đến HĐXX xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo vì có nhiều thành tích và cống hiến cho ngành. Bị cáo Lan cũng thành khẩn nhận tội, tự nguyện đề nghị phát mại những tài sản đã kê biên, phong tỏa của bị cáo để khắc phục hậu quả.

Còn với Phạm Trung Kiên, bị cáo đã khắc phục thêm 400 triệu và được ghi nhận là đã khắc phục xong hậu quả của hành vi nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng. Quá trình phúc thẩm, bị cáo có thêm một số tình tiết giảm nhẹ mới.

Tuy nhiên, HĐXX đánh giá Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ với số tiền lớn, phạm tội nhiều lần. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này không có căn cứ để giảm án.

HĐXX của TAND cấp cao cũng nêu ra nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo khác. Từ đó, HĐXX đã tuyên án với các bị cáo.

Nhóm bị cáo “Nhận hối lộ”:

1. Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ Bộ Y tế, nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, tù chung thân, án sơ thẩm chung thân.

2. Bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 27,3 tỷ đồng, tù chung thân, án sơ thẩm chung thân.

3. Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận 25 tỷ đồng, tù chung thân, án sơ thẩm chung thân.

4. Bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận 21,5 tỷ đồng, 14 năm tù, sơ thẩm 16 năm tù.

5. Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận 12,2 tỷ đồng, 10 năm tù, sơ thẩm 12 năm tù.

6. Bị cáo Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 9,3 tỷ đồng, 9 năm tù, án sơ thẩm 9 năm.

7. Bị cáo Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận 5 tỷ đồng, 5 năm tù, sơ thẩm 6 năm tù.

Nhóm bị cáo tội "Đưa hối lộ":

1. Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Công ty Bluesky, đưa hối lộ 100 tỷ đồng, 9 năm tù, sơ thẩm 11 năm tù.

2. Bị cáo Lê Hồng Sơn, Công ty Bluesky, đưa hối lộ, 100 tỷ đồng, 8 năm tù, sơ thẩm 10 năm tù.

3. Bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Công ty An Bình, đưa hối lộ 34,6 tỷ đồng, 6 năm 6 tháng tù, sơ thẩm 7 năm tù.

4. Bị cáo Võ Thị Hồng, Công ty Minh Ngọc, đưa hối lộ 10,9 tỷ đồng, 3 năm tù, sơ thẩm 4 năm tù.

5. Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Công ty Nhật Minh, đưa hối lộ 9,5 tỷ đồng, 27 tháng tù, sơ thẩm 3 năm tù.

6. Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Công ty Masterlife, đưa hối lộ 8,1 tỷ đồng, 30 tháng tù, sơ thẩm 3 năm tù.

7. Bị cáo Lê Thị Ngọc Anh, nhân viên Vụ lễ tân Ban Đối ngoại Trung ương, đưa hối lộ 7,6 tỷ đồng, 30 tháng tù, sơ thẩm 3 năm tù.

8. Bị cáo Phạm Bích Hằng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế, 20 tháng tù, sơ thẩm 20 tháng tù.

Tội "Môi giới hối lộ"

1. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, môi giới hối lộ 61,6 tỷ đồng, 4 năm tù, sơ thẩm 5 năm tù.

2. Bị cáo Trần Quốc Tuấn, Công ty Vitrato, môi giới hối lộ 7,4 tỷ đồng, 3 năm tù treo, sơ thẩm 3 năm tù.

3. Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Tạp chí Thanh tra Chính phủ, môi giới hối lộ 1,9 tỷ đồng, 13 tháng tù, sơ thẩm 15 tháng tù.

Tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

1. Bị cáo Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 3 năm tù, sơ thẩm 4 năm tù.

2. Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, 30 tháng tù treo, sơ thẩm 30 tháng.

3. Đặng Minh Phương, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, 18 tháng tù treo - án sơ thẩm 18 tháng tù.

Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

1. Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên, lừa đảo 800.000 USD, tương đương 18,8 tỷ đồng, 20 năm tù, sơ thẩm tù chung thân.

2. Bị cáo Trần Minh Tuấn, Công ty Thái Hòa lừa đảo 5,6 tỷ đồng và đưa hối lộ 799 triệu đồng, 16 năm tù về tội lừa đảo và 2 năm tù tội đưa hối lộ, tổng hợp là 18 năm tù, sơ thẩm 18 năm.

Tuyên án phúc thẩm các bị cáo trong vụ án

Các bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: Hồng Nguyên

Các bị cáo nhận thức sâu sắc những sai lầm

Trước đó, nói lời cuối cùng trước khi nghị án, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) cho hay, qua các phiên xét xử, bản thân ý thức và nhận thức sâu sắc hơn những sai lầm của bản thân. Qua đây bị cáo xin gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

"Dù không cố ý nhưng hành vi của bản thân đã làm ảnh hướng đến uy tín của cơ quan, gia đình. Bị cáo mong HĐXX xem xét bản thân bị cáo cả đời tận tụy góp sức vào công tác đối ngoại mà có phán quyết khoan hồng” - bị cáo Dũng xúc động rơi nước mắt nói.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng an ninh điều tra, Bộ Công an) cho biết, thời điểm này với tất cả những gì diễn ra, bị cáo đã nhận thức sâu sắc việc làm sai lầm của mình. Làm mất đi sư tin tưởng của người thân, gia đình. Bị cáo gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, người thân và mong HĐXX có sự “giàu lòng nhân ái” để bị cáo có thể trở lại cộng đồng, làm người có ích.

Bị cáo Phạm Trung Kiên cho hay, bản thân không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền. Bản thân không sách nhiễu, gây khó khăn, làm chậm thời gian cấp phép các chuyến bay, do vậy, mong HĐXX xem xét. Bị cáo cũng gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, cơ quan và những người dân bị ảnh hưởng và người thân vì phụ sự tin tưởng của mọi người.

Tương tự, các bị cáo cũng đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận, sau khi gửi lời xin lỗi đến Đảng, Nhà nước, Nhân dân, gia đình… cũng đều mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Đề nghị y án tù chung thân với bị cáo Phạm Trung Kiên

Đề nghị y án tù chung thân với bị cáo Phạm Trung Kiên

Đại diện VKSND chấp nhận kháng cáo, đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo

Đại diện VKSND chấp nhận kháng cáo, đề nghị giảm án cho nhiều bị cáo

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động