Từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công chứng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTư vấn cho khách hàng làm thủ tục công chứng tại một Văn phòng công chứng. Ảnh: TL |
Trong 5 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng và gần 60 triệu việc chứng thực. Tổng số phí công chứng thu được hơn 8 nghìn tỷ đồng, phí chứng thực thu được gần 350 tỷ đồng; tổng số thù lao công chứng thu được hơn 1.360 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng.
Luật Công chứng năm 2014 đã góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi, tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại và góp phần quan trọng vào tiến trình cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đặc biệt là việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở - lĩnh vực vốn phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp.
Tuy nhiên, qua công tác tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014 cho thấy một số bất cập, vướng mắc cơ bản trong hoạt động công chứng. Trong đó, số lượng công chứng viên tăng 2,7 lần so với thời điểm Luật CC năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành nhưng chất lượng chưa đồng đều, một bộ phận yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phân bổ công chứng viên cũng chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, còn các địa phương khác thì tình trạng khan hiếm công chứng viên vẫn thường xuyên diễn ra và chưa có giải pháp hữu hiệu. Hoạt động của một bộ phận công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục công chứng, đạo đức hành nghề công chứng…
Đặc biệt, việc ứng dụng CCTT trong hoạt động công chứng còn chậm, chưa tương xứng với sự phát triển của nghề công chứng của các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa theo kịp tốc độ các ngành, nghề khác trong nước, thiếu sự liên kết, tích hợp giữa cơ sở dữ liệu công chứng với các dữ liệu của các ngành, nghề có liên quan. Hoạt động công chưa bắt kịp tiến bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi số.
Do đó, để khắc phục khó khăn, hạn chế, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa, việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 là rất cần thiết.
Bộ Tư pháp vừa đề xuất những quy định liên quan đến vấn đề này như quy định việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc với đầu mối là Trung tâm dữ liệu công chứng quốc gia để cung cấp thông tin cho việc thực hiện công chứng của công chứng viên, là đầu mối lưu trữ toàn bộ hồ sơ công chứng đã thực hiện. Đồng thời là cơ sở để thực hiện quản lý toàn bộ các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời liên thông các lĩnh vực liên quan đến công chứng (đất đai, nhà ở, dân cư...).
Bên cạnh đó, quy định chung để từng bước chuyển đổi số trong hoạt động công chứng (thực hiện toàn bộ quy trình công chứng thông qua nền tảng công nghệ, cụ thể là việc gửi yêu cầu công chứng, soạn thảo văn bản công chứng, ký của các bên và của công chứng viên, thu - nộp phí, thù lao, lưu trữ văn bản công chứng và cung cấp thông tin liên quan đến hồ sơ công chứng trên môi trường điện tử); giá trị văn bản công chứng điện tử có giá trị như văn bản công chứng trên giấy.
Cùng với đó, xây dựng Đề án chuyển đổi số hoạt động công chứng, trong đó xác định rõ lộ trình và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan. Trong giai đoạn đầu có thể triển khai thí điểm công chứng điện tử, công chứng trực tuyến đối với một số giao dịch nhất định; trên cơ sở thực hiện và đánh giá kết quả thí điểm sẽ tiến hành các bước tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, trong thời gian tới cần nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, trong đó tập trung xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng sửa đổi, bảo đảm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng. Tập trung sửa đổi những quy định đang gây cản trở, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại