Thứ bảy 23/11/2024 11:09

Trợ giúp viên pháp lý giúp bị đơn trong vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bị đơn là người có công với cách mạng có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý nên Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thành phố Hà Nội đã cử trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trong vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”.
Trợ giúp viên pháp lý giúp bị đơn trong vụ “Tranh chấp quyền sử dụng đất”
Ảnh minh họa.

Người em khởi kiện...

Trao đổi với PV, chị Bùi Thị Hải Lưu, Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội cho biết, vụ án tranh chấp đất đai giữa ông T.V.T và ông T.V.C đã kéo dài nhiều năm nay (ông T khởi kiện đòi quyền sử dụng đất đối với ông C từ năm 2011).

Vào năm 2017, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của ông T.V.C, SN 1926 ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội về việc ông bị em trai khởi kiện ra tòa trong vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”. Nhận được yêu cầu của bị đơn là người có công với cách mạng, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố Hà Nội đã cử chị và chị Quách Thị Thu Huyền với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông T.V.C trong vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Theo hồ sơ vụ án, ông T.V.T, SN 1946, ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội gửi đơn khởi kiện anh trai ra TAND huyện Gia Lâm về tranh chấp quyền sử dụng đất. Ông T trình bày, gia đình ông đang sử dụng mảnh đất số thửa 45C, diện tích 52m2 đã được chính quyền địa phương – Ban địa chính xã Dương Hà xác nhận, có diện tích theo trích lục bản đồ tháng 11-1999. Theo giấy xác nhận đăng ký đất đai của chi nhánh huyện Gia Lâm ngày 10-11-2016 là 58m2. Anh trai ông là ông T.V.C đã tự ý phá dỡ bờ tường ranh giới giữa đất của ông với đất của anh trai. Ông C đã xây tường bao chiếm vào phần đất của ông mặc dù đã có biên bản của chính quyền địa phương ngăn chặn nhưng anh trai vẫn cố tình xây.

Quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Gia Lâm cùng các bên liên quan đã xác minh, thu thập chứng cứ liên quan đến thửa đất trên. Tại phiên tòa sơ thẩm, chị Bùi Thị Hải Lưu, Quách Thị Thu Huyền đã trình bày quan điểm bảo vệ bị đơn về việc văn bản phân chia đất có xác nhận của cán bộ địa chính, PCT UBND xã Dương Hà (góc trái ghi: Dương Hà 28-9-1999), là một bản photo (phần trình bày và chữ ký đều photo) nhưng cán bộ địa chính xã lại xác nhận vào bản photo – xác nhận ngày 20-6-2000 và PCT UBND xã Dương Hà ký, đóng dấu. Từ văn bản xác nhận của cán bộ địa chính, của PCT UBND xã Dương Hà dẫn đến việc Văn phòng đăng ký đất đai HN – chi nhánh huyện Gia Lâm cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai ngày 10-11-2016 căn cứ vào văn bản phân chia này.

Chị Lưu đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.V.T với anh trai, không công nhận văn bản thỏa thuận phân chia ngày 28-9-1999 có xác nhận của cán bộ địa chính xã, PCT UBND xã ngày 20-6-2000 và Giấy xác nhận đăng ký đất đai ngày 10-11-2016 của Văn phòng đăng ký đất đai HN – chi nhánh huyện Gia Lâm.

Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX TAND huyện Gia Lâm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với anh trai và tuyên ông T.V.T được quyền sử dụng đối với diện tích đất thuộc thửa 45, tờ bản đồ số 04, có diện tích đo thực tế là 60,6m2. Yêu cầu ông T.V.C phải phá dỡ toàn bộ đoạn tường bao, cổng sắt,... nằm trên phần diện tích của ông T.

Bản án bị kháng cáo, kháng nghị

Sau khi HĐXX TAND huyện Gia Lâm tuyên án, bị đơn đã kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và VKSND huyện Gia Lâm đã kháng nghị đề nghị Tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do đưa thiếu người tham gia tố tụng và nhận định của bản án sơ thẩm chưa khách quan, toàn diện.

Tại phiên tòa, chị Bùi Thị Hải Lưu, Quách Thị Thu Huyền trình bày, văn bản phân chia đất ghi ngày 28-9-1999 là bản photo, cán bộ địa chính xã Dương Hà và PCT UBND xã Dương Hà không chứng kiến những người có tên trong văn bản ký trực tiếp.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Gia Lâm nhận định rằng: “mặc dù văn bản ngày 28-9-1999 do ông Thân, Chắt, Tỵ lập được UBND xã Dương Hà xác nhận ngày 20-6-2000 là bản photo nhưng đây là sự thỏa thuận tự nguyện của anh em trong gia đình và các bên đã thực hiện đúng thỏa thuận nên được UBND xã Dương Hà xác nhận tách thửa và cấp trích lục bản đồ, từ việc xác nhận phân chia như vậy nên ông C cũng đã tự xây tường để xác định ranh giới (hiện trạng vẫn còn móng xây cao 40cm dài 13m) đối với phần diện tích đất ông T có tranh chấp do đó sự thỏa thuận này có giá trị pháp lý”.

Nhận định này là không chính xác, bởi lẽ, ông C không thừa nhận đã ký vào văn bản phân chia ngày 28-9-1999, chữ ký không phải của ông C và ông không đồng ý chia diện tích đất đó cho em trai. Bản thân anh em khác trong gia đình cũng không nêu ý kiến gì về văn bản phân chia này. TAND huyện Gia Lâm đã lấy lời khai của anh em trong gia đình nhưng không làm rõ việc có hay không anh em thống nhất phân chia theo văn bản phân chia nêu trên, chữ ký photo trong văn bản phân chia có phải của anh em trong gia đình không. Như vậy, chỉ có nguyên đơn cho rằng anh em tự nguyện thỏa thuận phân chia theo văn bản này, còn ông C và anh em khác không ai thừa nhận, chữ ký của các ông là chữ ký photo. Do vậy, rõ ràng không có căn cứ gì khẳng định anh em trong gia đình tự nguyện thỏa thuận phân chia đất theo văn bản phân chia ngày 28-9-1999.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Gia Lâm chỉ căn cứ vào lời khai của nguyên đơn, ngoài lời khai trên thì trong hồ sơ không có tài liệu, chứng cứ nào khác để xác định bức tường là ranh giới phân chia đất là không khách quan và không có cơ sở pháp luật.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Gia Lâm nhận định: “Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã thành lập Hội đồng xem xét thẩm định đối với diện tích đất đang có tranh chấp thì diện tích đất có tăng lên thành 60,6m2, qua UBND xã Dương Hà cung cấp nếu diện tích đất này không có tranh chấp thì có đủ điều kiện cấp GCN quyền sử dụng đất căn cứ vào khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 HĐXX thấy có căn cứ để công nhận diện tích đất đo đạc thực tế khi giải quyết vụ án”. Nhận định trên của Tòa án là không có cơ sở bởi lẽ: Tòa án chưa xác định đất được tăng lên ở chiều, cạnh nào của thửa đất, lý do tăng. Mặt khác, diện tích đất trên đang có tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn nên không có căn cứ để áp dụng khoản 5 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013. Chị Lưu đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm.

Sau khi nghe trình bày của các bên, HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định sửa bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Gia Lâm tuyên: “Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T.V.T với anh trai về việc đòi quyền sử dụng diện tích đất thuộc thửa 45 tờ bản đồ số 04 tại xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội”.

Trợ giúp viên pháp lý giúp người cao tuổi có khó khăn về tài chính Trợ giúp viên pháp lý giúp người cao tuổi có khó khăn về tài chính

Nhận được yêu cầu của người cao tuổi có khó khăn về tài chính, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thành ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động