Trợ giúp pháp lý là một trong các nghĩa vụ của Luật sư
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên(Trần Hải Nam, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội)
Ảnh minh hoạ |
Trả lời:
Về câu hỏi của bạn, xin trả lời như sau: Theo quy định tại Điều 17 Luật trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý theo pháp luật về trợ giúp pháp lý ở Việt Nam hiện nay là những người có đủ tiêu chuẩn và được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc công nhận hoặc cấp phép hành nghề theo quy định của pháp luật. Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:
Trợ giúp viên pháp lý; Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý dưới hình thức thực hiện nghĩa vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về luật sư.
Theo pháp luật về luật sư thì tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý vừa là nghĩa vụ, vừa là đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 21 Luật Luật sư quy định thực hiện trợ giúp pháp lý là một trong các nghĩa vụ của luật sư. Ngoài ra, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 93/BTV ngày 9-10-2014 hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý của Luật sư là 8 giờ/một năm.
Việc thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý không chỉ là nghĩa vụ mà còn là đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13-12-2019 của Hội đồng luật sư toàn quốc cũng ghi nhận điều này như sau:
Tham gia hoạt động cộng đồng (quy tắc 4)
- Luật sư luôn sẵn sàng và tích cực tham gia vào những hoạt động vì lợi ích chung của cộng đồng xã hội, phù hợp với nghề nghiệp của luật sư.
- Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao.
Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý dưới hình thức tự nguyện ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm TGPL khi được lựa chọn theo pháp luật về trợ giúp pháp lý.
Theo Điều 17 Luật Trợ giúp pháp lý, luật sư có đầy đủ tiêu chuẩn và điều kiện thì Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý và hưởng thù lao, chi phí thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định.
- Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý tại tổ chức hành nghề luật sư của mình khi đã ký hợp đồng thực hiện TGPL hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý tại Sở Tư pháp
Khi tổ chức hành nghề luật sư (Công ty luật hoặc Văn phòng luật sư thành lập theo quy định pháp luật) đã ký hợp đồng thực hiện TGPL hoặc đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý tại Sở Tư pháp theo pháp luật về trợ giúp pháp lý, thì luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý tại tổ chức hành nghề luật sư nơi mình làm việc theo phạm vi hợp đồng hoặc giấy đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.
- Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý bằng cách ký hợp đồng lao động với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Điều 49 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định:
1. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là luật sư làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư.
3. Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khác ngoài cơ quan, tổ chức mình đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại