Thứ bảy 23/11/2024 02:58

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật và nạn nhân bạo lực gia đình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Vừa qua, thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trong khuôn khổ dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên hiệp châu Âu tài trợ, các chuyên gia UNDP phối hợp Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) xây dựng hai bộ tài liệu “Kỹ năng trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người khuyết tật (NKT) có khó khăn về tài chính” và “Kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực gia đình”.
TGPL là một trong những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm.
TGPL là một trong những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm.

Ban tổ chức cho biết, với nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, NKT là một bộ phận không thể tách rời của xã hội, đều có những nhu cầu và quyền lợi giống như những người không khuyết tật, được thể hiện ở các quyền thuộc lĩnh vực dân sự chính trị, quyền kinh tế, văn hóa, xã hội.

Cụ thể như quyền sống; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng; quyền tự do và an toàn cá nhân; quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư; quyền tự do đi lại, tự do lựa chọn quốc tịch và nơi sinh sống; quyền tự do biểu đạt, chính kiến và tiếp cận thông tin; quyền kết hôn và lập gia đình; quyền được giáo dục; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền bình đẳng về lao động và việc làm; quyền tham gia các hoạt động văn hóa vui chơi giải trí, thể thao; quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng; quyền được hòa nhập và hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng...

Những quyền này được thể hiện rõ trong Luật NKT năm 2010, Công ước quốc tế về quyền của NKT đã được Việt Nam phê chuẩn tham gia năm 2014.

Bộ LĐTB&XH đánh giá đối tượng NKT gặp khó khăn trong nhiều mặt của cuộc sống, như học tập, việc làm, tiếp cận các dịch vụ công… hoặc thậm chí còn bị kỳ thị. NKT không có quyền làm việc và cơ hội công bằng trong công việc như những người khác. NKT không thể và không cần làm việc mà cần Nhà nước phải nuôi; dù cho có sự hỗ trợ nhưng NKT vẫn không đủ khả năng. Cuộc sống của NKT hoàn toàn khác với cuộc sống của người không khuyết tật. NKT cũng giống như những người không khuyết tật; dù bị khiếm khuyết một phần nào đó của cơ thể nhưng những bộ phận khác vẫn còn hoạt động, do vậy vẫn có thể làm việc như những người khác. NKT cũng có cuộc sống, gia đình, công việc, tư duy, thái độ… giống người không khuyết tật.

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã phân tích rõ tình trạng phân biệt đối xử với NKT và quyền của NKT diễn ra ở nhiều nơi, mức độ khác nhau, tựu trung có một số dạng phân biệt đối xử với NKT. Trong đó, phân biệt đối xử trực tiếp được biểu hiện qua việc đối xử tệ hơn so với người khác khi ở trong cùng một bối cảnh. Thí dụ, trong một cuộc phỏng vấn xin việc, người xin việc là NKT, cho nên người sử dụng lao động quyết định không nhận NKT vào làm việc, mặc dù đây là ứng viên sáng giá nhất. Còn trong những trường hợp phân biệt đối xử gián tiếp, có thể xảy ra khi cá nhân, tổ chức khác có những chính sách hoặc cách hành xử cụ thể có tác động xấu hơn đến NKT so với người không bị khuyết tật, như trong thông báo tuyển dụng cho vị trí trực điện thoại, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có thế mạnh về ngoại hình, điều này sẽ khiến NKT gặp bất lợi…

Thực tế cho thấy, NKT có rất nhiều những vướng mắc liên quan pháp luật cần TGPL không khác gì những vướng mắc của những người không khuyết tật. Thí dụ như các thủ tục xác định mức độ khuyết tật; thủ tục nhận trợ cấp xã hội; mức trợ cấp. Thủ tục vay vốn để tự giải quyết việc làm cho bản thân/hộ gia đình NKT. Hoặc sự cần thiết TGPL về quyền hưởng di sản thừa kế; làm mẹ đơn thân, khai sinh cho con; nhu cầu đăng ký và theo các khóa học nghề và việc làm cho NKT; hay hiểu và nhận quyền của NKT khi tham gia giao thông công cộng; quyền tiếp cận với các công trình công cộng...

Tham gia dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam”, những cán bộ tư vấn được hướng dẫn, đào tạo nhiều kỹ năng áp dụng hiệu quả vào thực tế. Nội dung tài liệu bao gồm hai loại, dành cho đối tượng thực hiện TGPL và đối tượng là đội ngũ tập huấn viên. Người thực hiện TGPL có khả năng đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng giải pháp để người được TGPL lựa chọn. Người được TGPL cũng có thể lựa chọn giải pháp khác trong số các giải pháp mà người thực hiện TGPL đã đưa ra. Nhiều chuyên gia và các cán bộ làm công tác TGPL tại địa phương đánh giá cao và đón nhận hai bộ tài liệu nêu trên, coi đây là công cụ hiệu quả để nâng cao kỹ năng trong quá trình thực hiện TGPL cho NKT và nạn nhân bạo lực gia đình.

Bản Sa
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động