Thứ ba 26/11/2024 13:40

“Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 18-2, Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức Tọa đàm: “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh” tại Hà Nội.
“Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách tài chính xanh”

Tọa đàm có sự tham dự của hơn 120 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, bao gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế... cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao Ngân hàng Standard Chartered phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm nhằm thông tin và trao đổi về báo cáo vừa hoàn thành trong tháng 2-2022 của Ngân hàng Standard Chartered về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam.

Thứ trưởng nhấn mạnh các hoạt động nghiên cứu, tham mưu và đối thoại chính sách kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng khi các quốc gia trên toàn cầu và Việt Nam đứng trước những lựa chọn chính sách có tính bước ngoặt, tác động không chỉ đến triển vọng kinh tế trước mắt mà còn quyết định khả năng phục hồi, phát triển bền vững trong dài hạn.

Tại sự kiện, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam, đồng thời thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam.

Theo ông Edward Lee, Chuyên gia kinh tế trưởng, khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt 4% trong năm 2022, giảm so với mức 5,8% của năm ngoái. Nền kinh tế đã có mức phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 nhờ quá trình tiêm chủng vắc-xin được thúc đẩy và các gói kích thích của Chính phủ.

Tuy nhiên, mức nền cao trong năm ngoái, chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và lạm phát gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối Quý 1. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023.

Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tại Phiên thảo luận về chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách với Việt Nam, có sự tham dự của các đối tác phát triển của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp dưới sự điều phối của Tiến sỹ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Các tổ chức và nhiều đối tác quốc tế đã khẳng định tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững.

Các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đất.

Tọa đàm cũng đưa ra các cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều đối tác và các doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.

“Để xây dựng một tương lai bền vững và hành trình tiến tới mức phát thải các-bon bằng 0 yêu cầu sự nỗ lực và hành động của tất cả chúng ta. Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới hoạt động của Standard Chartered tại châu Á. Chúng tôi cam kết đầu tư vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình phát triển bền vững và tạo dựng sự thịnh vượng.” Ông Ben Hung, Tổng Giám đốc, khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ.

“Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Là một ngân hàng quốc tế hàng đầu, chúng tôi luôn nỗ lực hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trường bền vững của Việt Nam trong năm 2022 và các năm tới” - bà Michele Wee, Tổng Giám đốc, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, phát biểu.

Lãnh đạo Standard Chartered nhấn mạnh Tọa đàm là một phần trong những nỗ lực của Standard Chartered nhằm đóng góp vào việc triển khai các chính sách về phát triển bền vững của Việt Nam. Vào tháng 11 năm 2021, Ngân hàng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh tổ chức Hội nghị “Đối thoại tại COP26 với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam:

Kiến tạo tương lại thịnh vượng và bền vững thông qua đầu tư tư nhân” tại Glasgow, Vương quốc Anh, bền lề của Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26. Trong khuôn khổ của Hội nghị, Ngân hàng đã trao các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững.

Với mong muốn trở thành Ngân hàng phát triển bền vững nhất thế giới, Standard Chartered đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được mức phát thải các-bon bằng 0 từ các hoạt động cấp vốn do Ngân hàng thực hiện vào năm 2050, trong đó có các mục tiêu cho năm 2030 đối với các lĩnh vực phát thải nhiều các-bon. Đến năm 2030, Ngân hàng có kế hoạch huy động 300 tỷ USD để phục vụ quá trình chuyển đổi và phát triển xanh.

Gia Bảo
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động