Triển khai Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội đồng Phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. |
Thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”, Bộ Tư pháp – Cơ quan Thường trực của Hội đồng PBGDPL Trung ương đã tham mưu Hội đồng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Đề án.
Kết quả đạt được
Nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách và quán triệt các nội dung cơ bản của Đề án, Bộ Tư pháp đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg với sự tham dự của đại diện một số ban Đảng liên quan, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương…
Thực hiện nhiệm vụ của Đề án giao, Bộ Tư pháp đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Tài liệu tập huấn kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách pháp luật để phục vụ cho công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ người làm công tác truyền thông dự thảo chính sách.
Đối với nhiệm vụ tổ chức truyền thông các dự thảo chính sách, pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì tham mưu xây dựng năm 2022, hiện nay, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị xây dựng và thực hiện các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong dự thảo đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi); dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, xây dựng các tọa đàm, giao lưu, các tin, bài viết truyền thông về một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Dân chủ ở cơ sở…
Để tăng cường nguồn lực thực hiện Đề án, Bộ Tư pháp đang phối hợp với một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước nghiên cứu, huy động nguồn lực xã hội trong tổ chức các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách theo nhiệm vụ được giao trong Đề án.
Tại các bộ, ngành, địa phương, tính đến ngày 6/10/2022, có 8 Bộ, ngành, 55 tỉnh, TP đã ban hành kế hoạch, công văn hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án và 13 tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản hướng dẫn của Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh. Một số Bộ, ngành chủ trì soạn thảo đã ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông riêng cho từng dự án luật.
Việc triển khai Đề án ở các Bộ, ngành, địa phương đã thúc đẩy công tác truyền thông chính sách pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành pháp luật sau khi được ban hành.
Đồng thời, việc thực hiện kế hoạch truyền thông chính sách đã được lãnh đạo một số bộ, ngành, ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp tham gia các tọa đàm, đối thoại và trả lời phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã tạo hiệu ứng tốt trong dự luận về quan điểm, định hướng hoàn thiện pháp luật về đất đai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành Kế hoạch tổ chức truyền thông dự thảo chính sách theo yêu cầu của Quyết định số 407/QĐ-TTg. Hình thức truyền thông chưa phong phú, chủ yếu là tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật của các cơ quan báo chí vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, chủ động; sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với một số cơ quan chủ trì soạn thảo chưa thực sự chặt chẽ.
Theo Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh việc ban hành kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần đồng thời ban hành kế hoạch truyền thông về nội dung dự thảo chính sách thuộc phạm vi của Đề án hoặc bổ sung nhiệm vụ về truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật vào kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương; báo cáo viên pháp luật, công chức pháp chế các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, sở, ngành địa phương; tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Đề án.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương bố trí công chức chuyên trách làm nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách; bố trí nguồn kinh phí riêng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, chú trọng huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách, nhất là cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia pháp lý. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định của pháp luật.
Tăng cường sự phối hợp giữa ngành Tư pháp với ngành Tuyên giáo, Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan thông tin, báo chí trong tổ chức truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Đề xuất, kiến nghị
Bộ Tư pháp đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách.
Đưa việc đánh giá tình hình triển khai truyền thông dự thảo chính sách là một trong các nội dung của Phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.
Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật khi hoàn thiện hồ sơ trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần báo cáo về việc ban hành Kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án và kết quả tổ chức truyền thông dự thảo chính sách đang trình; việc tiếp thu, giải trình những vấn đề mà dư luận quan tâm trong quá trình truyền thông.
Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh: Ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông dự thảo chính sách hàng năm. Để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, cần xác định và phân công rõ:
Đơn vị, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tham mưu công tác PBGDPL tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm đầu mối tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án;
Đơn vị, tổ chức tham mưu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm chủ trì tổ chức truyền thông chính sách thuộc phạm vi Đề án.
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tham mưu xây dựng đội ngũ cán bộ truyền thông dự thảo chính sách chuyên trách, chuyên sâu bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác này.
Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí riêng cho công tác truyền thông dự thảo chính sách; sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, trong đó có nội dung chi, mức chi cụ thể cho công tác này.
Đồng thời, hướng dẫn cơ chế thực hiện đặt hàng với các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia góp ý, truyền thông, phản biện xã hội về dự thảo chính sách.
Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản trong truyền thông dự thảo chính sách. Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng chuyên mục riêng trên VTV1, VOV1 về truyền thông dự thảo chính sách để tăng cường hiệu quả, tính lan tỏa của công tác này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại