Chủ nhật 15/09/2024 13:08

Trẻ 3 tuổi bỏng nặng do trượt chân ngã vào nồi lẩu trong lúc chơi đùa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Khi đang chơi đùa cùng bạn, bé N.A (3 tuổi) bất ngờ trượt chân ngã vào nồi lẩu đang sôi dẫn đến bị bỏng nặng.
Trẻ 3 tuổi bỏng nặng do trượt chân ngã vào nồi lẩu trong lúc chơi đùa
Ảnh minh hoạ

Theo đó, ngày 28/1/2023, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi N.N.A (3 tuổi, ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ) trong trạng thái quấy khóc kích thích do bị bỏng nặng.

Người nhà cho biết, trước khi vào viện khoảng 1 giờ, gia đình đang ăn tối trong khi bé cùng các bạn đùa nghịch chạy nhảy quanh nhà, không may bé trượt chân và bất ngờ ngã vào nồi nước lẩu đang sôi. Ngay lập tức gia đình thực hiện sơ cứu vệ sinh vết bỏng bằng nước sạch và đưa bé đến nhập viện lúc 20h40 tại Khoa Ngoại nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ.

Trực tiếp tiếp nhận và thăm khám, xử lý vết thương cho trẻ, ThS. BS Nguyễn Thanh Sơn, Phó khoa Ngoại nhi tổng hợp cho biết, tình trạng cháu N.A khi vào viện bị bỏng 2 đùi, lưng bụng, mông đùi 2 bên, mức độ bỏng độ II-III. Bác sĩ đã tiến hành xử trí vệ sinh vết thương, truyền dịch giảm đau thay băng, dùng kháng sinh. Sau 2 ngày bệnh nhân được chỉ định chiếu tia plasma 3 lần/ngày.

3-5 ngày đầu vết thương của trẻ còn đau, dịch chảy nhiều. Sau 10 ngày trẻ ổn định hơn, vết bỏng khô và tiến triển tốt, tổn thương vùng mông đùi khô ráo, vết bỏng ở ngực xuất tiết ít dịch. Sau hơn 2 tuần, bệnh nhân ổn định ra viện.

Vết bỏng của bệnh nhi N.A có diện tích thương tổn lớn, đối với những trường hợp bỏng nặng việc điều trị và chăm sóc vết thương sẽ mất nhiều thời gian hơn. Đặc biệt phải lưu ý trong quá trình chăm sóc vệ sinh tránh nhiễm trùng gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây nhiễm trùng máu.

Trẻ 3 tuổi bỏng nặng do trượt chân ngã vào nồi lẩu trong lúc chơi đùa
Vết bỏng của bệnh nhi N.A có diện tích thương tổn lớn. Ảnh: BVCC

ThS.BS Nguyễn Đức Lân, Trưởng Khoa Ngoại Nhi tổng hợp cho biết, việc sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm. Do đó, khi trẻ không may bị bỏng cần loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa trẻ ra khỏi nơi có tác nhân. Cởi bỏ ngay quần áo, rửa vùng da bị bỏng của trẻ bằng nước sạch ở nhiệt độ thường và dùng khăn sạch thấm khô.

Thông thường, nếu không tiếp xúc với độ nóng quá cao và thời gian tiếp xúc ngắn, vết bỏng sẽ chỉ hơi đỏ và rát, phần da bỏng không đổi màu thành trắng hoặc đen, không có nốt phỏng nước và sẽ khỏi sau 2-3 ngày mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu vết bỏng bị tổn thương, quan sát phần da bị bỏng đổi màu, xuất hiện nốt phỏng nước cỡ lớn, trẻ cảm thấy đau nhức hoặc vùng bị bỏng là da mặt hoặc bộ phận sinh dục thì cha mẹ cần cho trẻ đi khám để được điều trị ngay lập tức. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nào bôi lên vết thương.

Để phòng tránh những tai nạn bỏng đáng tiếc xảy ra với trẻ, ThS Lân khuyến cáo: bố mẹ, người trông trẻ cần thường xuyên để mắt đến trẻ. Với các vật dụng nóng, các chất dễ cháy, các chất dễ phát sinh lửa, đồ điện cần để ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ nhỏ; kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự vặn vòi nước nóng. Riêng đối với trẻ em đã nhận thức được, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về cách phòng tránh tai nạn bỏng. Khi trẻ không may bị bỏng, đặc biệt đối với các tổn thương trên diện rộng, vết thương sâu, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thò tay vào nồi xông, bé gái 3 tuổi bị bỏng lột da
Kẹt chân vào nan xe đạp, bé gái 2 tuổi dập nát phần mềm gót chân
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động