Tránh trường hợp Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong áp dụng pháp luật theo quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực tiễn vừa qua, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại Điều 4 về áp dụng pháp luật đối với trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với các luật khác; phân định rõ phạm vi áp dụng luật này và các luật: đấu thầu, đấu giá tài sản, quản lý sử dụng tài sản công. Thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về quyền của chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở TW, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm; quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; Nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững... dự thảo Luật đã quy định
Bên cạnh đó, làm rõ quyền của đại diện chủ sở hữu của Nhà nước trong quyết định về quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, quyết định chính sách tài chính về đất đai, điều tiết thị trường, điều tiết nguồn thu từ đất, quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…
Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhiều đại biểu đã có những đóng góp thiết thực, xuất phát từ hình hình thực tiễn để Ban soạn thảo có thể nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh…
Theo đó, thủ tục hành chính chậm trễ sẽ là một trong những cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, hiện nay Luật Đất đai đã có những điểm mâu thuẫn, chồng chéo với ít nhất 20 văn bản luật khác. Điều này dẫn đến có nhiều vướng mắc trên thực tế vì các thủ tục thường liên quan đến nhiều Sở, ngành khác nhau, khó đạt được sự kết nối thuận tiện cho người dân và DN.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban soạn thảo, các đạo luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật để đảm bảo có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác và quan trọng là cần giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng đề nghị để bảo đảm hiệu quả, khả thi cần bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, giải quyết chồng chéo giữa luật này với các luật liên quan. Đại biểu nhấn mạnh, không để một vấn đề mà được quy định bởi nhiều quy định khác nhau mà thực chất là do nhiều cơ quan quản lý khác nhau.
Quy định về thẩm quyền thu hồi đất thì quy định hiện hành giao cho cấp xã trọng trách quá nặng. Cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định thu hồi đất nhưng cấp xã phải tổ chức họp dân để phổ biến, thuyết phục, vận động. Cấp xã là cấp hành chính thấp nhất và không đơn giản để nắm rõ, hiểu thấu đáo, đầy đủ nội dung của các dự án để giải thích, thuyết phục, vận động người dân, mặc dù đây là cấp gần dân nhất. Cần cụ thể hơn quy định về sự phối hợp giữa cấp ra quyết định thu hồi chủ đầu tư dự án với cấp xã trong quá trình thực hiện thu hồi đất thì mới có thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý về các nội dung: Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là khi đầu tư các dự án có sử dụng đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần quy định nguyên tắc về thủ tục, trình tự, thời gian cụ thể nhằm tránh phiền hà về thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại phiên thảo luận |
Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng cần xem xét bổ sung quy định về chế độ sử dụng đất với các công trình năng lượng và đất sử dụng đa mục đích. Bên cạnh đó, cần rà soát đảm bảo tính thống nhất trong quy định của pháp luật liên quan đến thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của dự thảo Luật Đất đai với thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công.
Khoản 1 Điều 131 quy định: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh thông qua. Quy định này không đảm bảo tính thống nhất với thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong Luật Lâm nghiệp, cũng không thống nhất với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công. Vì vậy, cần nghiên cứu, rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Còn một số bất cập trong quy định phân loại đất di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh
Đại biểu Nguyễn Thành Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Nình Bình cho rằng, để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, việc quản lý, bảo tồn và tôn tạo các di sản là vấn đề luôn cần được quan tâm, chú trọng, đòi hỏi những chính sách, quy định cụ thể, đồng bộ không chỉ trong pháp luật chuyên ngành như Luật Di sản văn hóa mà cả pháp luật liên quan như Luật Đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thành Công, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình quan tâm đến việc bảo tồn, tôn tạo các di sản |
Hiện nay Luật Đất đai đã có quy định phân loại đất di tích lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh là loại đất riêng trong nhóm đất phi nông nghiệp, đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trong nguyên tắc lập quy hoạch, kết hoạch sử đất (Điều 68) và quy định chế độ sử dụng đối với loại đất này (Điều 212 của dự thảo).
Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng loại đất này vẫn còn một số bất cập cần được khắc phục một số vấn đề như:
Về quy hoạch đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, theo đại biểu, thực tế hiện nay có tình trạng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã được xác định nhưng có xen lẫn các hộ dân sinh sống trong khu vực di tích đã ảnh hưởng tới giá trị và tính toàn vẹn của di tích, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của người dân trong khu vực di tích.
Do đó, trong Dự thảo cần quy định về quy hoạch đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh phù hợp với các nguyên tắc bảo vệ, phát huy giá trị di tích, di sản đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý về di sản với cơ quan quản lý NN về đất đai trong việc quản lý đất có di tích lịch sử văn hóa, di sản thiên nhiên, danh lam thắng cảnh.
Tiếp theo, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nhằm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo tồn di sản. Hiện nay, các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất khu công nghiệp được phân bổ cho địa phương cũng chỉ ở mức tương tự giữa các tỉnh, thành phố khác dẫn đến địa phương khó khăn trong quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, phải nắm rõ nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc TW trên cơ sở các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua quyết định, trong đó cần có nguyên tắc phân bổ phù hợp để đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.
Bên cạnh đó, về cân đối giữa mục tiêu bảo tồn di sản và bảo đảm đời sống cho người dân trong vùng di sản, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị dự thảo Luật Đất đai cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực di sản.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Về quy hoạch sử dụng đất, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, quy hoạch đất phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Ngoài ra, sửa đổi Luật Đất đai phải có sự rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất vẫn phải sửa đổi nhiều luật hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.
Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển quốc gia phải là ngọn hải đăng để dẫn dắt cho quy hoạch trong mọi lĩnh vực. Trong lĩnh vực sử dụng đất đai, huy động nguồn lực đất đai cũng phải tuân thủ Luật Quy hoạch phát triển kinh tế tổng thể quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa thông qua được quy hoạch tổng thể này.
Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội phải có những nỗ lực vượt bậc để có thể thông qua được quy hoạch tổng thể này để dẫn dắt cho quy hoạch sử dụng đất và chỉ trên cơ sở đó mới đảm bảo được một sự minh bạch, ổn định cho phát triển thị trường đất đai và huy động nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại